Đạo diễn Hà Sơn. Ảnh: Đ.T.P. |
- Ông chưa chính thức mời Yến Vy đóng vai chính. Vậy tại sao lại có thông tin đó trên báo chí?
- Một bộ phim cũng là sản phẩm hàng hóa. Tôi muốn bán sản phẩm của mình thì phải tiếp thị. Nếu Yến Vy tham gia phim, được công chúng chú ý thì đó cũng là hình thức quảng cáo. Tại sao trong nghệ thuật chúng ta lại tê liệt ý thức tiếp thị?
- Mục đích của ông khi mời Yến Vy đóng phim?
- Cũng là một kiểu thu hút sự tò mò của khán giả, nhưng chúng tôi không lợi dụng cô ấy. Qua sự việc này, mong muốn của tôi là thay đổi quan niệm của xã hội. Tôi cho rằng người tạo ra scandal là người có khả năng - khoan hãy nói tới tốt xấu. Khi luật pháp chưa khẳng định họ phạm tội thì họ vẫn có quyền làm việc chứ. Tôi muốn đưa ra quan điểm để mọi người có thể phân định, đánh giá giá trị con người trong cuộc sống.
- Vậy còn thông tin rằng vai diễn này đã được ông "đo ni đóng giày" cho Yến Vy thì sao?
- Điều này thì tôi phải cải chính. Tất cả kịch bản trong tập Gọi cá (trong đó có Trung úy), tôi đã ấp ủ suốt 15 năm qua. Khi kịch bản ấy ra đời, Yến Vy mới là cô bé hơn 10 tuổi. Nhưng xét về vấn đề mà tôi đặt ra thì đúng: Cũng như Yến Vy, nhân vật nữ chính của tôi yêu hết mình. Trong khi đó, trên phim ảnh của chúng ta, tình yêu nam nữ có vẻ giả dối, không đúng cách con người yêu nhau. Trong Trung úy, tôi nhấn mạnh hai yếu tố: Trận đánh đẫm máu, ác liệt; và tình yêu cuồng nhiệt.
Diễn viên Yến Vy. |
- Ông sẽ thể hiện tình yêu cuồng nhiệt ấy trên phim bằng cách nào?
- Chắc sẽ có một số pha "hấp dẫn". Phim ảnh cũng là cuộc sống, nếu luật pháp không cấm và đạo lý cho phép, tại sao tôi lại không dám thực hiện? Trung úy là câu chuyện về đôi trai gái yêu nhau giữa sự sống và cái chết, có thể ngày mai họ không còn là của nhau, chẳng lẽ họ chỉ đưa mắt nhìn nhau, tay nắm tay?
- Ai là người quyết định cuối cùng việc mời Yến Vy đóng phim?
- Ngay bản thân tôi cũng chưa đi đến quyết định. Còn các nhà đầu tư nữa, trong đó có Nhà nước. Ai bỏ tiền thì người đó sẽ định ra luật chơi và có tiếng nói cuối cùng.
- Sau scandal của Yến Vy vừa qua, một số đạo diễn định hợp tác với cô ấy đã phải dừng lại vì sợ ảnh hưởng tới hình tượng nhân vật. Giả sử Yến Vy nhận lời tham gia, theo ông, khán giả sẽ tin bao nhiêu phần trăm vào hình tượng thiếu nữ trong sáng trên màn ảnh?
- Chúng ta đã quá lý tưởng hóa nhân vật trên màn ảnh. Điều đó xưa rồi. Nước ngoài làm được phim về quan chức cao cấp yêu cô gái gọi và chúng ta vẫn thấy cuốn hút đó thôi.
- Ông làm gì để thay đổi quan điểm ấy?
- Cái gì phạm pháp thì tôi không làm. Ngay như các phạm nhân, họ ra tù thì vẫn có quyền công dân, vẫn bình đẳng. Diễn viên Trung Quốc Lưu Hiểu Khánh ra tù, lại đóng vai nữ hoàng có sao đâu. Sao chúng ta lại giết chết người khác bằng quan niệm khắt khe và hẹp hòi ấy?
- Một số kịch bản trước đây của ông được dân trong nghề đánh giá cao, như "Hãy quên tên Maika đi" (được dựng thành phim Hãy tha thứ cho em), nhưng khi hoàn thành thì ông lại tỏ ý tiếc nuối. Lần này, ông đảm nhận cả vai trò biên kịch và đạo diễn cho "Trung úy", tại sao vậy?
- Tôi tiếc nuối vì nhiều lý do, một phần vì người thực hiện không làm đến cùng kịch bản ấy. Hoặc có thể là thời điểm của nó chưa đến, nên một số kịch bản tôi tâm đắc khi chuyển thành phim chưa được như ý muốn. Tôi nói với Hãng phim truyện Việt Nam, nếu không đủ điều kiện thực hiện phim thì tôi sẽ trả lại. Với Trung úy, tôi sẽ làm quyết liệt, và nó không phải loại phim cúng cụ, xếp kho.
Đặng Thịnh Phúc thực hiện