- Sau hàng loạt vở kịch kinh dị ăn khách của sân khấu Thế giới trẻ, vì sao gần đây, anh ít cho ra mắt vở mới ở thể loại này?
- Vì cả nể, tôi từng nhận cùng lúc nhiều kịch bản, viết trong sự hối thúc cho kịp tiến độ. Việc viết nhiều và liên tục như vậy sẽ không tránh khỏi sự lặp lại trong cấu trúc, cách xử lý nhân vật và tình huống. Thú thực, tôi rất ngại dựng kịch kinh dị. Chiêu trò hù dọa chỉ có chừng đó thôi, khán giả nhiều khi dễ tính không nhận ra, nhưng bản thân mình và đồng nghiệp đều thấy sự lặp lại mà không thấy cái mới, khác, độc đáo có được từ sự sáng tạo.
Tôi từ từ giảm khối lượng công việc xuống, chú trọng nhiều hơn đến chất lượng mỗi sản phẩm. Với kịch kinh dị, tôi chỉ nhận dựng nhiều nhất là hai vở một năm. Thời gian còn lại tôi dành cho các thể loại khác như hài, kịch tâm lý…
- Chuyển sang viết những thể loại khác, anh gặp khó khăn và thuận lợi gì?
- Ngoài chuyện đi tìm đề tài hay, tôi không gặp khó khăn gì khác trong sáng tác. Thuận lợi lớn nhất của tôi là được chủ động hoàn toàn trong công việc từ khâu biên kịch cho đến đạo diễn. Mình viết cho mình dựng nên tôi có thể tùy ý chỉnh sửa kịch bản cho phù hợp với tính thời sự và xu hướng thưởng thức của khán giả.
Tuy khác nhau về thể loại nhưng bất cứ kịch bản sân khấu nào cũng có nguyên tắc chung về kết cấu, cách xây dựng nhân vật và xử lý tình huống. Một trong nhiều thủ pháp mà tôi hay sử dụng là yếu tố bất ngờ. Mở màn, tôi luôn khiến khán giả hoài nghi một nhân vật nào đó, nhưng rốt cuộc nhân vật đó không có gì phải thắc mắc. Đối tượng cần đặt câu hỏi là nhân vật nào đó lạ hoắc hoặc nhạt nhòa ngay đầu câu chuyện nhưng biến hóa đầy bất ngờ ở cuối chuyện.
- Theo anh, thế nào là một vở kịch hấp dẫn?
- Hấp dẫn và hay là hai yếu tố hoàn toàn khác nhau. Theo tôi, yếu tố hấp dẫn của một vở kịch thể hiện ngay ở đề tài. Đó là những vấn đề xã hội đang quan tâm, chẳng hạn như đề tài kinh dị, hài hước… Tuy nhiên, đề tài hấp dẫn đôi khi không trụ được lâu vì nó chạy theo trào lưu.
Một kịch bản hay thì khác. Kịch bản hay, trước hết phải có một cấu trúc chặt chẽ, đáp ứng các tiêu chuẩn về xây dựng nhân vật, tình huống. Các tác giả không chuyên thường viết theo cảm xúc của họ mà bỏ qua những nguyên tắc tối thiểu về cấu trúc, quy tắc xử lý nhân vật và tình huống kịch. Vì thế sân khấu thiếu vẫn thiếu mà thừa vẫn thừa khi nói về kịch bản.
- Thù lao viết kịch bản hiện nay như thế nào trong bối cảnh sân khấu bị cạnh tranh gay gắt bởi các loại hình giải trí khác?
- Thù lao của mỗi kịch bản tùy thuộc barem của mỗi sân khấu. Tác giả được quy định nhận bao nhiêu phần trăm tiền tác quyền trong số doanh thu mỗi lần công diễn. Vở kịch càng được công diễn nhiều, tác giả theo đó cũng nhận được nhiều tiền tác quyền. Hiện tại, tôi cộng tác cùng lúc nhiều sân khấu với đủ thể loại bi, hài kịch. Sân khấu nào cũng cần kịch bản hay nên những biên kịch như tôi có thể sống thoải mái so với mức bình quân trong xã hội.
- Cộng tác cùng lúc với nhiều sân khấu, anh làm sao để dung hòa được mối quan hệ giữa các bên?
- Lúc đầu tôi nghĩ, chắc nhà sản xuất không thấy thoải mái gì khi chứng kiến tôi hợp tác với sân khấu đối thủ. Điều đó khiến tôi đắn đo, suy nghĩ một thời gian khá dài. Sau khi bôn ba với nhiều sân khấu, tôi nhận ra, mình đã quá lo lắng. Thực ra, việc TP HCM tồn tại nhiều sân khấu cũng giống như một vườn hoa đa sắc. Khán giả không thích thưởng thức món ăn này, có thể chuyển qua thử món khác. Mỗi sân khấu đều có tiêu chí, định hướng nghệ thuật riêng. Điều đó giúp tôi khám phá được bản thân mình, sàng lọc được những khuyết điểm trong kịch bản, cách dàn dựng của mình cho phù hợp với tiêu chí của mỗi sân khấu.
Thú thực, việc tôi cộng tác với nhiều sân khấu, chỉ 50% vì tiền, 50% còn lại, tôi coi đó là cơ hội mình học hỏi về nghề từ các anh chị đi trước cũng như những bạn trẻ đến sau mình.
- Nếu các đề tài ăn khách đều giảm sức hút theo thời gian, theo anh, đâu sẽ là giải pháp tiếp theo cho sân khấu?
- Khi các thể loại như kinh dị, hài hước... không đem đến sự mới mẻ cho khán giả, theo quy luật tự nhiên, những hình thức khác sẽ ra đời, bắt kịp với thị hiếu của họ.
Tôi thấy các bạn trẻ như đạo diễn Nguyễn Khắc Duy đang có những thành công bước đầu với hình thức nhạc kịch trong các vở Chicago, Tuyết đỏ, High School Musical... Mới đây, đạo diễn Hoa Hạ cũng thử nghiệm hình thức ca vũ kịch với vở Cây bàng vuông… Tôi cho rằng, trong thời gian tới các hình thức kết hợp ca - vũ - kịch sẽ phổ biến trên sân khấu. Năm 2015, tôi cũng muốn thử sức với một vở nhạc kịch.
Đạo diễn Bùi Quốc Bảo sinh năm 1976 tại Đồng Tháp. Anh tốt nghiệp ngành đạo diễn sân khấu năm 2004 tại trường Cao đẳng Sân khấu TP HCM. Trước khi gây chú ý với hàng loạt kịch kinh dị như Lầu hoang, Họa hồn, Bí mật nhà xác, Một xác hai mạng... Bùi Quốc Bảo là tác giả của hàng trăm kịch bản video hài và kịch ngắn, phim truyền hình dài tập... Anh giành giải Cù nèo vàng 2013 dành cho đạo diễn xuất sắc với vở Ngày tận thế. |
Châu Mỹ thực hiện