![]() |
Đạo diễn Bạch Diệp thời trẻ. |
Bà kể: "Câu chuyện thì dài lắm, ngày xưa còn trẻ tôi rất vui tươi và xinh xắn nữa, nên có nhiều chàng trai thích, yên mến. Khi 16 tuổi, tôi xa nhà tham gia hoạt động cách mạng. Tôi thích làm chiến sĩ vô danh nên khoác ba lô lên Việt Bắc theo học một lớp phản gián. Tình yêu đầu tiên của tôi là một anh nhạc sĩ. Khi ấy, tôi vẫn không cảm nhận thế nào là yêu, nhưng say mê anh lắm. Anh viết nhiều bài hát tặng tôi mà bộ đội đã hát vang các chặng đường hành quân như Mưa bay, Lá reo. Tôi xúc động lắm, có lẽ vì tên mình là Diệp nên anh viết nhiều bài thơ về lá, chính là để nhớ đến tôi vậy. Tôi yêu anh nhưng lại hứa hẹn rằng muốn sao cũng phải đợi ngày kháng chiến thành công đã".
Nhưng mối tình đầu đó đã có một kết thúc buồn. Nhạc sĩ Tử Phác lập gia đình, nhưng hai người vẫn nhớ đến nhau. Nhạc sĩ đặt tên con theo tên của bà. Bà nói: "Sau này về Hà Nội chúng tôi gặp lại nhau, nhưng không có gì. Dù sao anh vẫn là người để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc".
Cố nhạc sĩ Tử Phác rất nổi tiếng với ca khúc Tiếng hát quay tơ, giai điệu mượt mà, lời ca chau chuốt này được lưu truyền rộng rãi. Ông còn sáng tác một loạt các ca khúc như Tiếng hát lênh đênh, Gió Hồ Tây, Vượt sông Đà, Chiến thắng Điện Biên, Thả thuyền giấy, Đường Lên Tây Bắc... Nhạc sĩ Tử Phác tên thật là Nguyễn Văn Kim, quê ở Hà Nội, từng tham gia làm báo, sau phụ trách tập san Âm Nhạc, tiền thân của tạp chí Âm Nhạc, Hội Nhạc sĩ VN. Ngoài sáng tác, ông còn dịch thuật về lịch sử âm nhạc thế giới.
Nghệ sĩ Bạch Diệp nói: "Tôi giờ cũng già rồi, nhưng từ giờ đến khi ra đi, tôi mong ước là mình sẽ có nhiều tiền để có thể tổ chức một đêm nhạc Tử Phác. Gia đình anh ấy cũng ủng hộ tôi, nhưng giờ chưa có điều kiện. Nếu không làm được điều đó, tôi rất không yên lòng".
(Theo Thể Thao - Văn Hóa)