Ngày 23/11, UBND TP Thanh Hóa đã chỉ đạo các phòng ban và UBND xã Quảng Phú thông tin về giá trị thật của pho tượng lạ được phát hiện trong khu đầm tôm của gia đình ông Nguyễn Trọng Thái (thôn 2, xã Quảng Phú); nghiêm cấm các hành vi mê tín dị đoan, tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự địa phương.
![dao-dam-tom-phat-hien-buc-tuong-la](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2016/11/23/Tuong-la-1-5942-1479870163.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=LTfjSsIm3aNse2MIc9L9Rg)
Bức tượng lạ được phát hiện trong khu đầm tôm của gia đình ông Thái.
Trước đó ngày 7/10, gia đình ông Thái thuê máy xúc bùn cải tạo đầm nuôi tôm, phát hiện một bức tượng có hình dáng lạ. Đông đảo người dân hiếu kỳ đã đến xem, gây xôn xao dư luận địa phương.
Theo đo đạc của cán bộ Bảo tàng Thanh Hóa, tượng cao 76,5 cm, rộng 59 cm, được làm bằng gỗ phủ một lớp sơn màu đồng, nhiều chỗ bong tróc và biến màu. Tượng tạc hình người đàn ông ở tư thế ngồi xếp bằng, đầu trọc, tai sệ, hai mắt làm bằng chất liệu nhựa màu trắng, tròng mắt sơn đen, hai tay đặt phía trước, trang phục phía trong là áo sơ mi, thắt cà vạt, bên ngoài khoác áo comple và quần tây.
Phó giám đốc Bảo tàng Thanh Hóa Hồ Tuấn Minh nhận định, bức tượng có thể được gia đình hay dòng họ nào đó tạc để thờ một nhân vật trong dòng tộc. Khi không có nhu cầu thờ tự, chủ nhân đem tượng thả trôi sông, theo quan niệm để cho mát mẻ. Trong quá trình trôi dạt đã vào khu đầm của gia đình ông Thái.
Theo ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, bức tượng không phải di vật, cổ vật theo quy định pháp luật hiện hành và không thuộc hệ thống tượng thờ truyền thống trong các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam. "Tượng không có giá trị về mặt lịch sử, nghệ thuật, mỹ thuật”, ông Thanh nói.