8h sáng ngày cuối tuần, lối ra vào khu vực khám bệnh viện Nhi Trung ương chen kín người. Hàng chục chiếc ghế nhựa phục vụ bệnh nhân không còn chỗ trống. Phía ngoài phòng khám, người nhà ngồi đợi la liệt.
Hệ thống loa phát thanh của viện cũng được phát hết công suất thông báo tình trạng trộm cắp ở viện. Tuy nhiên, vẫn có nhiều nạn nhân như chị Bình.
Hớ hênh, chiếc túi sẽ là món mồi béo bở cho những kẻ hành nghề " hai ngón". Ảnh: T.A |
Bệnh viện Bạch mai, Việt Đức, Mắt Trung ương... hàng ngày cũng tiếp đón hàng nghìn lượt bệnh nhân. Họ đổ dồn về khám ở tuyến TW không chỉ gây ra tình trạng quá tải cho các bệnh viện mà còn tạo môi trường thuận lợi để trộm cắp hoành hành.
Cuối giờ trưa, tại viện Bạch Mai, hàng trăm người ngồi vạ vật đợi kết bên phía ngoài hành lang phòng khám. Trước cửa phòng khám số 3, chị Hoàng Thị Thủy (Sơn La) khư khư ôm chiếc ba lô rách sờn trước ngực. Dáng vẻ mệt mỏi nhưng chị này không quên dặn người phụ nữ ngồi kế bên "Cháu cẩn thận, cái túi hớ hênh thế kia "bọn nó" rạch lúc nào không hay đâu".
Theo một số nhân viên bảo vệ, quy trình hoạt động của những kẻ hành nghề "hai ngón" ở đây rất linh hoạt. Mỗi nhóm thường có 2-4 người, một người làm nhiệm vụ cảnh giới, một người chôm chĩa, người còn lại đợi xe ngoài phía cổng. Khi có "hàng" cả nhóm nhanh chóng nổ máy tháo chạy.
Trong số những người bị bắt, có người đã bước sang tuổi thất thập, nhưng cũng có những em bé mới hơn 10 tuổi được mẹ cho đi theo để "hành nghề".
Bệnh nhân "vượt tuyến" quá đông khiến nạn móc túi ngày càng gia tăng. Ảnh: T.A |
Anh Dũng, nhân viên bảo vệ Viện Mắt Trung ương cho rằng, kẻ gian biết mặt lực lượng an ninh nhưng lực lượng an ninh không thể biết hết mặt họ. Để thường xuyên cập nhật những kẻ hành nghề "hai ngón", hơn chục nhân viên bảo vệ phải "mua" thông tin từ người lái xe ôm, bà bán nước ngoài cổng viện.
Không chỉ hoạt động trong phòng khám, cầu thang máy, trước quầy thuốc... nhiều "đạo chích" ngang nhiên đóng giả người nhà vào các khu nội trú, len lỏi vào phòng làm việc của Ban giám đốc để "chôm" đồ. Vừa qua, lực lượng bảo vệ của Viện Mắt phát hiện trường hợp trèo lên giường nằm cùng bệnh nhân. Lợi dụng khi bệnh nhân ngủ, kẻ xấu này rạch túi "cuỗm" đi 2 triệu đồng.
Thậm chí, một cán bộ của viện suýt trở thành “con mồi” của bọn trộm cắp. Một lần ông đang đi kiểm tra khu vực khoa khám bệnh.thì một cô gái khẽ hỏi thăm đường, cô gái còn lại nhanh tay thò vào túi áo blu định "móc" chiếc điện thoại di động. Bị phát hiện, hai "người đẹp" bỏ chạy ra cổng viện, trèo lên xe máy của đồng bọn chạy thoát.
Hiện, các bệnh viện đều có biện pháp thông báo cho người nhà bệnh nhân về tình trạng móc túi. Nếu viện Nhi trung ương có hệ thống loa phát thanh thì tại viện Bạch Mai, lực lượng bảo vệ viện cũng dán hàng chục nhân vật "hai ngón" điển hình lên tấm bảng đặt ngay khu vực xếp sổ.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Văn Quảng, Phó phòng Hành chính quản trị kiêm phụ trách an ninh Viện Nhi, mỗi ngày, phòng khám nhận 1.300 -1.700 lượt bệnh nhân, chưa kể người thân. "Với 20 bảo vệ và lực lượng an ninh thuê của công ty An Quốc mỗi ca 6 người, chúng tôi khó có thể giải quyết triệt để tình trạng trộm cắp trong viện", ông Quảng nói.
Theo Phòng Hành chính quản trị Viện Nhi, gần đây khu nội trú đã xuất hiện tình trạng người nhà bệnh nhân "chôm" đồ của nhau, đặc biệt là thời điểm sắp... xuất viện.
Theo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Hà Nội, thời gian gần đây, nhiều kẻ gian lợi dụng việc quá tải tại các bệnh viện để hành nghề đạo chích. Cơ quan này đang lập kế hoạch, triển khai lực lượng mật phục tại bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh.
Ngày 12/3, các trinh sát thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Hà Nội tóm được "nữ quái" Nguyễn Thị Hương, 28 tuổi đến từ Lạng Sơn khi đang móc túi của một bà mẹ trẻ đưa con đi khám bệnh. Cùng ngày, tại bệnh viện Việt Đức, cơ quan công an cũng bắt kẻ hành nghề "hai ngón" 19 tuổi khi đang móc điện thoại di động. |
Tuấn Anh