Một ngày đầu năm mới, gia đình tôi bắt tàu từ London đi thăm Oxford, cách London 80 km. Mọi người quyết định đi từ sớm để có nhiều thời gian khám phá thành phố vì mùa đông ở nước Anh 16h trời đã sẩm tối.
Oxford được gọi là thành phố trường đại học vì ở đây có 39 trường cao đẳng (college) trực thuộc Đại học Oxford, với khoảng 26.000 sinh viên. Được thành lập năm 1096, Oxford là trường đại học lâu đời nhất nước Anh và lâu đời thứ hai trên thế giới, đồng thời có chất lượng giảng dạy bậc nhất thế giới.
Nhờ có chuyến đi Cambridge trước một tuần nên chúng tôi biết rằng không có giảng đường chính ở Đại học Oxford mà thay vào đó là giảng đường của 39 trường cao đẳng nằm rải rác khắp thành phố.
Rộng hơn Cambridge, thành phố Oxford có nhiều đường phố lớn hơn và phố xá cũng tấp nập hơn. Tuy nhiên cũng chỉ mất khoảng 10 phút đi bộ từ ga tàu tới khu trung tâm và có thể đi bộ quanh thành phố trong chưa đến một ngày.
Chúng tôi tìm tới Christ Church, trường lớn nhất trong số 39 trường trực thuộc Đại học Oxford. Nhìn từ xa, tôi tưởng nhầm là nhà thờ vì mái vòm cao và to. Trên thực tế thì trong trường có một nhà thờ gần 900 năm tuổi là nhà thờ chính của thành phố. Cũng dễ hiểu vì những ngày đầu nơi đây dạy thần học, sau đó mới mở rộng ra dạy y và luật.
Hiện nay nhà thờ nằm trong trường nhưng sinh viên tại đây dù theo bất kỳ tôn giáo nào vẫn có thể đến để chiêm ngưỡng vẻ đẹp cũng như thưởng thức các buổi thánh ca.
Christ Church có hơn 400 sinh viên và 175 nghiên cứu sinh. Ngoài kiến trúc đẹp, Christ Church nổi tiếng vì đã đào tạo ra ít nhất 13 đời thủ tướng Anh. Nhà bác học Albert Einstein có thời gian 5 năm nghiên cứu tại trường. Đây cũng là nơi thực hiện một số cảnh quay của bộ phim Alice in Wonderland và Harry Porter. Tuy nhiên, do dịch Covid, trường thông báo tới 22/7 mới mở cửa trở lại tiếp đón du khách.
Tham quan xong điểm đầu tiên, chúng tôi rảo bước về khu phố High Street, nơi có những ngôi trường và công trình kiến trúc nổi bật nhất của Oxford. Đi qua trường Brasenose, tôi bước vào quảng trường Radcliffe - được nhà nghiên cứu lịch sử và kiến trúc Nicolaus Pevsner (1902-1983) đánh giá là quảng trường có kiến trúc tổng thể đẹp nhất châu Âu. Nằm giữa quảng trường là thư viện Radcliffe Camera (tiếng Italy là phòng Radcliffe) nổi tiếng. Tòa được xây dựng vào năm 1737 để làm thư viện khoa học của Đại học Oxford có với kiến trúc mái vòm tròn hình chiếc trống rất đặc biệt.
Phía bên trái của quảng trường là Church of St Mary the Virgin, ngôi trường sở hữu một nhà thờ có ngọn tháp đẹp và tinh xảo bậc nhất xứ sở sương mù. Từ năm 1200 đến nay, các cuộc họp và buổi lễ về học thuật của Đại học Oxford được tổ chức tại đây. Hôm chúng tôi đến, một phần của nhà thờ đang được tu sửa.
Phía bên phải của quảng trường Radcliffe là trường All Souls. Nhìn ra quảng trường còn có thư viện Bodleian, bối cảnh của rất nhiều cảnh quay trong phim Harry Porter. Bodleian là là một trong những thư viện lâu đời nhất trên thế giới, có số lượng sách nhiều thứ hai nước Anh với 13 triệu đầu sách.
Đối diện thư viện là cầu Than thở, cây cầu trên cao nối giữa hai khoa của trường Hertford. Gọi là cây cầu Than thở vì nó giống với cây cầu Than thở ở Venice, Italy. Công trình này từng xuất hiện trong bộ phim X-Men.
Thay vì vào thư viện Bodleian để thăm quan chi tiết, gia đình tôi chọn đi ăn nhẹ, dành thời gian dạo bộ ngắm thành phố và tận hưởng tiết trời nắng hiếm có của mùa đông nước Anh.
Ăn uống xong chúng tôi quay lại con phố High Street, đi qua các trường All Souls, Queen và Magdalen - tất cả cùng nằm trên một phía của con phố. Đi bộ gần hết phố tới cây cầu bắc qua sông Cherwell và thấy Vườn bách thảo của Đại học Oxford, chúng tôi đi ngược trở lại và len lỏi vào các ngõ nhỏ phía sau phố High Street để ngắm và chụp ảnh các trường Merton, University College và Oriel.
Nếu có nơi nào tương tự với Oxford thì đó chính là Cambridge, thành phố mà chúng tôi tới thăm trước đó một tuần. Bản thân tôi nhận thấy Cambridge thơ mộng và lãng mạn hơn còn Oxford mang vẻ cổ kính trầm mặc hơn. Ngoài ra, vài trăm năm nay hai trường luôn cạnh tranh với nhau vị trí trường đại học tốt nhất nước Anh. Nhờ sự cạnh tranh này mà hai kinh đô học thuật của Anh không ngừng đào tạo ra những nhân tài ở mọi lĩnh vực cho thế giới.
Trước khi trời sẩm tối, chúng tôi lại đi bộ ra ga tàu để về lại London, trên đường về vẫn kịp ghé vào khu Bicester Village, cách Oxford khoảng 15 phút đi tàu. Đây là một con phố dài tập trung nhiều nhãn hiệu thời trang và mua sắm nổi tiếng trên thế giới. Khu mua sắm tấp nập vào những ngày cuối tuần và bất kỳ ai tới đây đều chọn mua cho mình một món đồ gì đó vì giá hàng ở đây thấp hơn khoảng 20-30% so với giá niêm yết.
Độc giả Nguyễn Đức Hùng