Đào Bitcoin tại Trung Quốc sinh lời cao đến mức nếu đồng tiền ảo này mất giá một nửa so với hiện nay thì các thợ đào vẫn kiếm được tiền, theo Bloomberg New Energy Finance.
Các chuyên gia tại BNEF nhận định, ngay cả với khung giá điện cao nhất ở Trung Quốc, thợ đào vẫn có thể hưởng lợi từ Bitcoin, miễn là đồng tiền này giá trị hơn 6.925 USD. Hiện tại, mỗi Bitcoin được giao dịch quanh mốc hơn 13.700 USD, giảm khoảng 29% từ khi đạt đỉnh kỷ lục
Giá Bitcoin đã tăng 1.400% năm ngoái, làm tăng nhu cầu sử dụng điện để đào tiền ảo trên toàn cầu. Ba phần tư số máy đào tiền ảo tập trung tại Trung Quốc – nước có lượng người sử dụng điện lớn nhất thế giới. Hiện tại, Trung Quốc đang cố tìm cách hạn chế tình trạng gia tăng lượng điện để đào Bitcoin tại một số tỉnh.
Trung Quốc đang kiểm soát chặt chẽ hơn, giới hạn lượng điện để đào tiền ảo. Nước này lo ngại các thợ đào đang hưởng lợi nhờ giá điện thấp tại đây. Theo Digiconomist Bitcoin Energy Consumption Index, tiền ảo tiêu thụ điện năng tương đương với 3,4 triệu hộ gia đình ở Mỹ.
Còn theo BNEF, lượng điện để đào Bitcoin tăng khoảng 20,5 terawatt giờ một năm tính đến cuối năm ngoái. Con số này tương đương với hơn một nửa lượng điện hàng năm của BHP Billiton – doanh nghiệp khai thác khoáng sản lớn nhất thế giới sử dụng hay bằng một phần mười lượng điện cần để cung cấp cho Nam Phi.
Tại Trung Quốc, các thợ đào sử dụng 15,4 terawatt. Báo cáo của BNEF cho thấy, các thợ đào Bitcoin ở Trung Quốc chỉ sử dụng 0,2% lượng điện năng tiêu thụ mỗi năm tại nước này, dù là cộng đồng lớn nhất thế giới.
Theo Sophie Lu – một chuyên gia tại BNEFF, đào Bitcoin tại Trung Quốc có thể lãi với chi phí cao nhất là 0,13 USD cho mỗi kilowatt. Tuy nhiên, nhiều công ty ở đây còn có thể hưởng lợi nhờ mức giá đàm phán 0,03 USD. Vì vậy, họ sẽ vẫn lãi nếu Bitcoin đạt tối thiểu 3.869 USD.
Lu cho rằng nếu Trung Quốc thắt chặt chính sách quản lý điện năng, các thợ đào sẽ dễ dàng chuyển đến các quốc gia khác. Vì các máy tính để đào tiền ảo chỉ sử dụng được hơn hai năm và các linh kiện khác cũng khá rẻ.
* Mỏ Bitcoin khổng lồ ở Trung Quốc
Anh Tú (theo Bloomberg)