Trần Bình Trọng sinh năm 1259 ở xã Bảo Thái, nay thuộc huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Ông nguyên họ Lê, dòng dõi vua Lê Đại Hành. Được cha cho học hành từ nhỏ lại sáng dạ, đến năm 16-17 tuổi, Trần Bình Trọng tỏ ra dũng cảm, mưu lược và võ nghệ tài giỏi hơn người, thường giành được phần thắng trong các cuộc thi. Vua Trần Thánh Tông rất hài lòng nên đã tác thành cho ông và công chúa Thụy Bảo, con của vua Trần Thái Tông.
Theo sách Những danh tướng chống ngoại xâm thời Trần, khi bắt được viên tướng trẻ của Đại Việt, giặc thấy rõ tài năng, chí khí nên lập kế mua chuộc. Chúng thiết đãi Trần Bình Trọng rất hậu hĩnh, cho ăn ở chu đáo, đối xử mềm mỏng, nhưng Trần Bình Trọng "nhất quyết tuyệt thực, không thèm trò chuyện, không hé nửa lời". Cuối cùng, chúng dùng danh lợi, chức tước để hòng cám dỗ ông.
Khi nghe tên tướng giặc hỏi có muốn làm vương ở nước chúng, hưởng phú quý giàu sang, Trần Bình Trọng giận sôi người, không thể nín lặng được nữa, ông đã quát to vào mặt tên tướng giặc "Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc".
Giặc biết không có cách nào chiêu dụ được Trần Bình Trọng nên ra lệnh giết ông để trừ hậu họa vào ngày 26/2/1285. Khi đó, ông mới 26 tuổi.
Được tin Trần Bình Trọng mất, vua và triều đình vô cùng thương tiếc dũng tướng hết lòng vì dân vì nước. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép vua Trần Nhân Tông "được tin này, vật vã khóc thương". Nhà vua đã truy phong tước vương (là tước thứ nhất, chỉ phong cho người trong hoàng tộc) cho ông, tặng ông hai chữ "Trung Nghĩa" và cho lập miếu thờ ngay trên vùng đất ông đã chiến đấu và hy sinh.
Câu 3: Khi được khuyên lấy chồng, nữ tướng nào đã khảng khái đáp: "Tôi muốn cưỡi con gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi, đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, đâu chịu khom lưng làm tì thiếp cho người"?