Một người đàn ông họ Huang ở thành phố Lục Phong, tỉnh Quảng Đông, đông bắc Trung Quốc, qua đời tháng 2/2017 vì bệnh ung thư. Trước khi qua đời, Huang nói với gia đình rằng muốn được chôn cất theo phong tục truyền thống.
Tuy nhiên, quy định của chính quyền địa phương là phải hỏa táng người chết. Để hoàn thành tâm nguyện của người đã khuất, gia đình Huang, vốn rất giàu có, đã thuê một người đàn ông cũng họ Huang, tìm một thi thể khác để đánh tráo trước khi hỏa táng.
Ngày 1/3/2017, Huang phát hiện Lin Shaoren, khi đó 36 tuổi và mắc hội chứng Down, đang nhặt rác ven con đường gần nhà. Huang bắt cóc Lin và bắt anh này uống rất nhiều rượu, sau đó đặt nạn nhân đang bất tỉnh vào chiếc quan tài đã chuẩn bị sẵn, dùng 4 đinh thép đóng chặt.
Quan tài được mang đến một ngã tư và hoán đổi với quan tài của Huang. Lin bị đưa đi hỏa táng, trong khi thi thể Huang được bí mật đưa đến một khu vực hẻo lánh để chôn cất.
Gia đình đã trả tổng cộng 107.000 nhân dân tệ (16.345 USD), gồm 90.000 nhân dân tệ (13.700 USD) cho Huang, và phần còn lại cho người môi giới họ Wen.
Lin được cảnh sát đưa vào danh sách người mất tích suốt hai năm, cho đến tháng 11/2019, họ nghiên cứu các video giám sát và phát hiện Lin bị sát hại nên thông báo với gia đình nạn nhân.
Huang bị một tòa án ở thành phố Sán Vĩ tuyên án tử hình hoãn thi hành vào tháng 9/2020. Huang kháng cáo lên Tòa án Nhân dân Cấp cao Quảng Đông. Tháng 12/2020, tòa bác kháng cáo, y án tử hình hoãn thi hành với Huang.
Theo quy định về hỏa táng của tỉnh Quảng Đông, các nhà tang lễ sẽ cử nhân viên đến kiểm tra kỹ danh tính của thi thể trước khi hỏa táng. Tuy nhiên, việc đánh tráo thi thể không phải hiếm tại các nhà tang lễ ở Trung Quốc. Tháng 9 năm ngoái, một phụ nữ ở tỉnh Hà Nam bị sốc khi phát hiện thi thể cha, người qua đời ở tuổi 50, bị nhầm lẫn và hỏa táng dưới danh nghĩa một người đàn ông 70 tuổi.
Vụ án của Huang thu hút sự chú ý của dư luận vào tuần trước, sau khi truyền thông địa phương đăng câu chuyện, tiết lộ thủ đoạn một số gia đình Trung Quốc làm để tránh hỏa táng theo quy định của chính quyền.
Chính quyền địa phương ở Trung Quốc thúc đẩy hỏa táng để tiết kiệm đất cho các mục đích sử dụng khác và vì hình thức này được coi là thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, địa táng vẫn phổ biến bởi tín ngưỡng của người Trung Quốc tin rằng đây là cách duy nhất để người chết được an nghỉ.
Số liệu gần đây nhất từ năm 2019 cho thấy chỉ khoảng 52% người chết, tương đương 5 triệu thi thể, được hỏa táng trong năm đó, theo Bộ Nội vụ Trung Quốc. Kể từ năm 2012, các tòa án ở Trung Quốc ban hành hơn 200 phán quyết với các vụ án liên quan đến buôn bán và đánh cắp thi hài người chết.
Huyền Lê (Theo SCMP)