Anh Nguyễn Văn Đình, chủ cửa hàng điện thoại ở thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), cho biết có 3 thanh niên đem điện thoại iPhone 3GS đến nói muốn cầm cố vì thua bạc. Sau khi thẩm định "trái táo khuyết", anh đưa giá 5 triệu đồng... Trước khi về, nhóm thanh niên yêu cầu bọc giấy kín điện thoại để tránh hư hỏng. Vài giờ sau, họ trở lại đòi chuộc máy. Khi chiếc iPhone được mở ra khỏi lớp giấy, họ đổi ý.
Sau một tuần không thấy ai đến chuộc, anh Đình mở giấy bọc niêm phong thì phát hiện chiếc điện thoại đắt tiền đã thành hàng rởm. Anh Đình xác định "trái táo khuyết" bị tráo khi nhóm thanh niên quay lại với ý định chuộc đồ.
![]() |
Chị Hạnh cho biết trong một ngày đã bị lừa 3 chiếc điện thoại. Ảnh: Quốc Dũng. |
Chị Ngô Thị Bích Hạnh, chủ siêu thị mini điện thoại di động Chính Tín ở thị trấn Đinh Văn (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) cũng mắc lừa hàng chục triệu đồng với chiêu tương tự.
Chị kể, chiều 15/3 một thanh niên đến cửa hàng "đặt" máy iPhone 3GS trị giá 13 triệu đồng. Cửa hàng nhận “cầm” với giá 6,5 triệu đồng. Khoảng 30 phút sau tiếp tục có 2 người đàn ông mang 2 chiếc iPhone 4 tới. Chị Hạnh cầm cố 10 triệu đồng mỗi chiếc. Các vị khách đều yêu cầu bà chủ gói kỹ, niêm phong để họ ký xác nhận với lý do đây là điện thoại xịn.
Chiều tối cùng ngày, 3 ông khách lần lượt trở lại cửa hàng với ý định muốn chuộc lại, nhưng rồi lại thôi. 10 phút sau khi họ rời đi, linh cảm có điều chẳng lành chị Hạnh mở niêm phong thì phát hiện cả 3 chiếc iPhone đang giữ đều là loại rởm và đã hư hỏng.
Chị cho biết, hình ghi từ 6 chiếc camera tại cửa hàng đã cho thấy các vị khách khi quay lại cầm gói đồ niêm phong điện thoại lên xem đã xoay một vòng rồi bỏ nhanh vào túi quần sau, đồng thời rút một gói màu trắng từ túi quần trước giống hệt gói này đưa trả cho bà chủ.
Nhiều chủ cửa hàng điện thoại ở các huyện trong tỉnh Lâm Đồng cũng trình báo đã bị lừa với thủ đoạn tương tự. Công an Lâm Đồng đang điều tra sự việc.
Quốc Dũng