- Với tư cách một cầu thủ rồi sau này làm chuyên gia bóng đá, Uỷ viên Ban chấp hành VFF, ông cảm thấy thế nào về sự việc các cầu thủ Quảng Ninh bị nợ lương, thưởng suốt từ đầu năm 2020?
- Tôi bất ngờ với việc một CLB nợ lương, thưởng cầu thủ tới tám tháng, nhất là Quảng Ninh - một CLB nhiều năm có tham vọng đua tranh vô địch, sở hữu lực lượng CĐV chuyên nghiệp... Nhưng tôi còn bất ngờ hơn khi khó khăn như vậy mà các cầu thủ Quảng Ninh vẫn thi đấu tốt, liên tục trong nhóm dẫn đầu mùa giải 2021. Có lẽ như Mạc Hồng Quân nói, tiền bạc cũng quan trọng nhưng hình ảnh của đội bóng còn quan trọng hơn. Tôi cho rằng cách hành xử của các cầu thủ đã rất tình nghĩa và có thể coi là hiếm gặp trong đời sống bóng đá Việt Nam. Hy vọng các cấp lãnh đạo của tỉnh, của CLB nhìn thấy điều đó, thấu hiểu và gác lại những khúc mắc nội bộ để sớm giải quyết cho các cầu thủ.
- Thông thường, trong những sự việc như thế này, VFF sẽ làm gì để điều tiết mối quan hệ giữa cầu thủ và CLB?
- Trước đây, khi xảy ra những sự việc như thế này, VFF chọn cách "khoán trắng" cho các đội bóng tự xử lý. Còn lần này, tôi hy vọng khi VFF đã biết thì với tư cách là cơ quan quản lý cao nhất của bóng đá Việt Nam, họ sẽ có những động thái cần thiết như là nói chuyện với các cấp lãnh đạo của CLB Quảng Ninh để giải quyết triệt để.
- Trước mỗi mùa giải, ban tổ chức đều kiểm tra tài chính của CLB để xem họ có thể đảm bảo điều kiện tham dự giải đấu hay không. Vậy tại sao lại xảy ra tình trạng nợ lương, thưởng kéo dài ở Quảng Ninh?
- Tôi không tin ban tổ chức có thể kiểm tra được tình hình tài chính thực sự của các đội bóng. Không phải vì các CLB không hợp tác, mà bởi nguồn tài chính duy trì đội bóng trong một mùa giải lên tới vài chục tỷ đồng, các nguồn tiền sẽ giải ngân theo từng giai đoạn chứ không chuyển tất cả vào đầu mùa, thế nên cũng khó thực hiện việc kiểm tra này.
- Bên cạnh VFF hay VPF, các cầu thủ còn có thể trông cậy vào cơ quan quản lý nào để bảo vệ quyền lợi không, hay phải lựa chọn các hình thức đấu tranh như cầu thủ Quảng Ninh gần đây là đưa lên mạng xã hội rồi doạ bỏ giải?
- Tôi là cựu cầu thủ nên tôi rất hiểu tầm quan trọng của việc có một cơ quan tổ chức đứng ra bảo vệ quyền lợi cho chính các cầu thủ. Cách đây hơn 10 năm, tôi đã nghiên cứu khá kỹ về cách hoạt động của các hiệp hội cầu thủ trên thế giới. Sau đó tôi mời luật sư cùng làm việc rồi lập hồ sơ gửi lên Bộ Nội vụ để đăng ký. Phản hồi tôi nhận được đó là sự ủng hộ của các phòng chức năng bên Sở Nội vụ và của giới bóng đá như Lê Thuỵ Hải, Lê Huỳnh Đức, Trần Công Minh... vì phương châm hoạt động của hội là không chỉ bảo vệ quyền lợi các cầu thủ đang thi đấu mà còn chăm sóc các cựu cầu thủ gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, bên Bộ Nội vụ khi đó nói rõ là hồ sơ thành lập Hiệp hội cầu thủ cần được sự đồng ý của cơ quan chủ quản của nghề bóng đá, tức là Tổng cục TDTT hoặc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Và dự án này bị tắc ở đó. Hiểu nôm na như kiểu cổng làng thì mình vào được nhưng lại bị chặn ở ngõ nhà mình vậy.
- Tại sao các cơ quan chủ quản khi đó không đồng ý?
- Họ bảo là không cần thiết! Họ bảo nếu có một cơ quan như vậy tồn tại để phản biện thì nền bóng đá Việt Nam... rắc rối ra. Sau đó chúng tôi chỉ hoạt động kiểu tự phát, chăm sóc, hỗ trợ các cầu thủ đã nghỉ thi đấu gặp khó khăn chứ không có bất cứ tư cách pháp nhân nào.
- Với thực tiễn của bóng đá Việt Nam, ông nghĩ thế nào rằng việc khởi động lại ý tưởng thành lập Hiệp hội cầu thủ?
- Tôi nghĩ nếu có Hiệp hội cầu thủ thì những sự việc như ở Ninh Bình trước đây hay Quảng Ninh hiện tại không xảy ra. Hãy nhìn sang La Liga, chỉ cần một CLB nợ lương cầu thủ hai đến ba tuần thôi là họ kêu gọi các cầu thủ đình công cho đến khi sự việc được giải quyết. Ngay cả Lionel Messi cũng tham gia để bảo vệ đồng nghiệp của mình. Với những diễn biến mới nhất ở Quảng Ninh, việc thành lập Hiệp hội cầu thủ càng trở nên bức thiết. Và tôi tin, các cầu thủ sẽ cực kỳ ủng hộ.
Đồng Việt