- Ông đánh giá thế nào về nhân sự của đội tuyển Việt Nam trong chặng đường đã qua tại AFF Cup 2018?
- Từ hàng thủ đến tiền vệ và tấn công đều hoàn thành nhiệm vụ. Mỗi khi được tung vào sân, các vị trí đều chơi hết mình. Về mặt cá nhân, tôi ấn tượng với sự đa năng của những cầu thủ ở hàng công. Họ có thể chơi nhiều vị trí, khiến hàng thủ đối phương rối loạn trong việc theo kèm. Điển hình như Quang Hải, cậu ấy xuất phát là một cầu thủ tấn công, nhưng tại vòng bảng lại chơi như một tiền vệ trung tâm. Tới vòng loại trực tiếp, Quang Hải được đẩy lên giống như một tiền đạo cánh. Nhưng ngay cả trong các trận gặp Philippines và Malaysia, có thời điểm cậu ấy đổi vị trí cho một cầu thủ tuyến dưới, hoặc lùi về để gia cố khả năng phòng ngự từ xa.
Nếu tính chung cả đội, tôi đánh giá cao hai cầu thủ là Quang Hải và Văn Đức. Cả hai thuộc mẫu cầu thủ chơi kỹ thuật, có tốc độ và khả năng tạo đột biến cao. Theo tôi, sức tấn công của Việt Nam tại AFF Cup 2018 gần như trông cả vào bộ đôi này. Điều ấy thể hiện rõ ở số lần đá chính của họ. Quang Hải có tên trong đội hình xuất phát cả bảy trận. Con số này của Văn Đức là sáu trận.
- Ông có thể chỉ ra điểm giống và khác nhau trong cách vận hành sơ đồ chiến thuật 3-4-3 và 3-5-2 của đội tuyển hiện tại với thời điểm ông thi đấu?
- Khi chơi ba trung vệ, mọi sơ đồ đều giống nhau ở sự cơ động của hai cầu thủ đá biên. Đó phải là những người giàu thể lực, lên công về thủ tốt, khi cần có thể chuyển đội hình thành 5-4-1 hoặc 5-3-2 tương ứng. Về điểm khác, thứ nhất nằm ở chỗ số lượng cầu thủ tốt của Việt Nam hiện nay dồi dào và đồng đều hơn. Như tôi nói ở trên, họ rất đa năng và có thể tạo ra những miếng đánh bất ngờ khiến đối thủ không lường được. Thứ hai, bây giờ họ có điều kiện thi đấu nhiều với nhau. Tính trong năm 2018, AFF Cup này đã là giải đấu thứ ba. Với riêng những cầu thủ thuộc đội U19 Việt Nam vào bán kết U19 châu Á 2016 như Quang Hải, Văn Hậu, Đình Trọng, Đức Chinh, Tiến Linh, thời gian chơi bóng cạnh nhau thậm chí còn lâu hơn. Hai điều này giúp những thành viên của Việt Nam bây giờ dạn dày kinh nghiệm và giàu bản lĩnh trận mạc, dù còn rất trẻ. Nó cũng giúp HLV Park Hang-seo có nhiều lựa chọn trước mỗi trận đấu. Ông ấy có thể linh hoạt cả về đấu pháp, thay vì dựng một triết lý có sẵn rồi ghép con người phù hợp.
- Có nhiều cầu thủ sút xa tốt, nhưng phải tới chung kết lượt đi vừa qua, Việt Nam mới có một tình huống làm bàn bằng sút xa. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
- Giải pháp sút xa thường được dùng khi đối thủ chơi co cụm, hoặc đội bóng có những chân sút tốt. Trong hành trình đã qua ở AFF Cup 2018, Việt Nam chưa lần nào rơi vào một trong hai tình huống này. Chúng ta thường có bàn thắng sớm, trong nửa đầu hiệp một (bốn trận). Hai trận còn lại, Việt Nam có lợi thế rõ ràng về thế trận (gặp Campuchia), hoặc tỷ số (gặp Philippines). Trận duy nhất Việt Nam không ghi được bàn là Myanmar, nhưng xét tổng thể trận đó, chúng ta tạo đủ số cơ hội trong cấm địa. Những cú sút xa theo kiểu cầu may, vì thế, chưa được dùng tới.
Đối đầu Malaysia trên sân khách lại là một thử thách khác. Dù có bàn mở tỷ số sớm, Việt Nam vẫn phải đá thận trọng và cần đảm bảo an toàn cho khu vực sân nhà. Do đó, các tiền vệ trung tâm mỗi khi lao lên, có lẽ đã tự nhủ rằng cần tránh để đối phương phản công. Sút xa là một giải pháp gần như tự nhiên xuất hiện trong đầu các cầu thủ khi ấy. Một nguyên nhân nữa là Malaysia đá rất rát. Nếu không có những quyết định chính xác, nhanh chóng và đảm bảo độ an toàn, cầu thủ Việt Nam có thể sẽ bị đau vì va chạm.
- Hai trận gặp Malaysia, Việt Nam đều kiểm soát bóng ít hơn (lần lượt là 31% và 42%). Ông dự đoán thế nào về khía cạnh này ở trận đấu hôm nay?
- Trong bóng đá hiện đại, kiểm soát bóng chỉ là một phần trận đấu. Việc giữ bóng nhiều hay ít phụ thuộc vào ý đồ và triết lý của từng HLV. Dưới góc độ người xem, chứng kiến đội nhà bị dồn ép sẽ khiến chúng ta sốt ruột, thậm chí lo lắng. Dù vậy, chúng ta cần bình tĩnh để xem đội kiểm soát bóng nhiều hơn có tạo ra nhiều cơ hội ghi bàn không, hay chỉ là những đường chuyền ngang và chuyền về.
Để kiểm soát bóng tốt hơn, cầu thủ không có cách nào khác ngoài việc tích cực di chuyển nhiều hơn, tạo ra nhiều khoảng trống cho đồng đội giữ và phát triển bóng. Nếu cầm được bóng, Việt Nam sẽ làm giảm sức ép lên khung thành đội nhà và tạo ra một thế trận phòng ngự chủ động. HLV Park Hang-seo có lẽ sẽ chú ý tới việc này, bởi Việt Nam đang có lợi thế về bàn thắng sân khách. Chúng ta chỉ cần hòa 0-0 hoặc 1-1 ở lượt về là sẽ vô địch.
- Từng là cầu thủ và tham dự nhiều trận chung kết, nếu có thể đưa ra một lời khuyên cho cầu thủ Việt Nam, đặc biệt là hàng tiền vệ, ông sẽ nói gì?
- Hai điều quan trọng nhất tôi thường được dặn là tập trung cao độ vào trận đấu, và tuyệt đối tuân thủ đấu pháp. Tinh từ lúc trọng tài thổi còi bắt đầu trận đấu tới khi tiếng còi mãn cuộc vang lên, cầu thủ cần vứt bỏ mọi yếu tố khác ngoài bóng đá, chẳng hạn sân bãi, khán giả, hoặc cả tâm lý với trọng tài... Ngoài ra, trong những khoảng thời gian nhạy cảm như 10 phút đầu và cuối mỗi hiệp, cầu thủ còn phải tăng cường độ tập trung. Nếu cần, ban huấn luyện phải ra sát đường biên để nhắc nhở. Từng cá nhân trên sân phải tự ý thức, rằng không được phá vỡ kỷ luật chiến thuật. Nếu HLV giao nhiệm vụ phòng ngự, cầu thủ luôn phải ngoảnh đầu ra đằng sau quan sát xem mình đang đứng ở đâu, xung quanh có đồng đội hay đối phương không. Ngược lại, nếu nhiệm vụ là tấn công, cầu thủ phải đảm bảo cự ly giữa hàng thủ với cầu thủ tấn công, làm thế nào để vừa có thể nhận bóng dễ dàng, vừa có thể tung ra đường chuyền thuận lợi cho đồng đội chỉ sau một vài nhịp chạm bóng.
Một trận đấu bao gồm nhiều khâu, từ nhập cuộc, phát triển trận đấu đến khi tàn cuộc. Cái hay của một HLV giỏi, ngoài việc đọc trận đấu, còn là đưa ra những thay đổi, và biết tìm đúng người để truyền đạt những ý đồ mới vào sân. Ví dụ như khi chơi bóng ở sân Bukit Jalil, việc thông báo bằng miệng rất khó vì tiếng huyên náo của hơn 80.000 CĐV. Lúc ấy, HLV cần tìm những cầu thủ nắm rõ triết lý của mình nhất, hoặc chỉ thị bằng ký hiệu, thậm chí huýt sáo để cầu thủ để ý. Mọi ám hiệu sẽ được bàn trước trong buổi họp chiến thuật.
Thắng Nguyễn