Cha mẹ hiện đại ngày càng thiếu thời gian cho con
Một khảo sát gần đây tại Anh cho thấy, 78% cha mẹ cảm thấy có lỗi với con, bởi các lý do: dành không đủ thời gian cho con, thường xuyên cáu gắt, mất quá nhiều giờ cho các thiết bị di động... Đây cũng là tình trạng chung của những bậc phụ huynh Việt Nam, khi thời gian dành cho thiết bị di động của người Việt có xu hướng tăng lên.
Trường hợp của gia đình chị Nguyễn Mai Anh, 32 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP HCM là một ví dụ khá phổ biến. Hai vợ chồng đi làm về, cho con ăn, tắm giặt... xong hết việc đã 20h-21h. Nhiều hôm, chị vẫn phải giải quyết nốt việc công ty. Chồng tranh thủ lướt mạng giải trí, và đứa con được bỏ mặc với cái tivi. Cuối tuần mệt, chị chỉ muốn nằm nhà nghỉ ngơi, ngại đưa con đi chơi. "Đôi khi nghĩ lại cũng giật mình, thấy có lỗi vì dành ít thời gian cho con quá. Nhưng đến thời gian cho mình còn hiếm thì lấy đâu ra thời gian cho con?", chị Mai Anh chia sẻ.
Nỗi lòng của chị Mai Anh cũng là tâm sự chung của nhiều cha mẹ hiện đại. Có một sự thật éo le: con còn nhỏ cũng là lúc cha mẹ còn trẻ - đang trong giai đoạn phấn đấu cho sự nghiệp và cố gắng kiếm tiền để đảm bảo tương lai cho con cái.
Tuy nhiên, 0 - 6 tuổi chính là giai đoạn não bộ của trẻ phát triển đến 80%, với tốc độ tiếp thu học hỏi nhanh gấp nhiều lần các giai đoạn sau đó. Thời kỳ này còn được gọi là thời kỳ đóng dấu, khi mọi quan sát và tương tác với cha mẹ, với thế giới xung quanh sẽ được trẻ tiếp nạp và ghi lại trong tiềm thức, định hình tính cách và con người của trẻ sau này. Việc thiếu hụt sự quan tâm của cha mẹ trong giai đoạn này có thể dẫn đến những thiệt thòi cho bé, mà đến khi cha mẹ kiếm đủ tiền cũng khó lòng bù đắp.
Những cách dành thời gian chất lượng cho con
Thực tế, trong việc dành thời gian cho con, chất lượng quan trọng hơn số lượng. Theo nhà xã hội học Kei Nomaguchi, công tác tại đại học Bowling Green State, Mỹ, nếu dành cho con 2-3 giờ mỗi ngày nhưng cha mẹ liên tục cáu gắt, bị phân tâm bởi công việc, điện thoại... thì thời gian đó thậm chí còn có tác động tiêu cực hơn đến sự phát triển của trẻ.
Giáo sư Pruett (Quỹ Family Peace - Australia) cho biết 8 phút chất lượng là thời gian tối thiểu mỗi phụ huynh nên dành cho mỗi đứa con. Đây là thời gian rất có giá trị nếu cha mẹ dành 100% cho con, không vướng bận điện thoại, công việc, chân thành, tích cực tham gia hoạt động mà con muốn, như đọc sách, nói chuyện, chơi trò nhập vai...

Bé lớn khôn mỗi ngày qua những phút giây gắn kết cùng cha mẹ.
Một gợi ý khác từ chuyên gia tâm lý Nataliya Sirotich (Đại học Toronto, Canada) là tận dụng 3 phút lúc mới đón con đi học về. Theo bà, trong 3 phút đầu gặp cha mẹ sau cả ngày ở trường, trẻ sẽ kể mọi thông tin mà trẻ nhớ được. Nếu cha mẹ bỏ lỡ, rất có thể sẽ bỏ qua những tâm tư quan trọng và khiến trẻ dần đánh mất thói quen chia sẻ với cha mẹ. Ngoài ra, cùng trẻ làm việc nhà hay tham gia vào những bữa ăn gia đình sum vầy cũng là những hoạt động dễ thực hiện và mang lại nhiều gắn kết.
Nhà giáo dục Nhật Bản Ota Toshimasa tính toán, nếu cha mẹ dành toàn bộ ngày chủ nhật cho con từ lúc con sinh ra đến 6 tuổi, thì tổng số thời gian ấy chỉ chiếm 1% toàn bộ cuộc đời cha mẹ. Như vậy, chỉ 1% quỹ thời gian của cha mẹ có thể đổi lấy sự phát triển tốt nhất trong "giai đoạn vàng" của con.

Cả cha và mẹ đều đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục nhân cách cho trẻ, dù đó là bé gái hay trai.
Sáng kiến "Sinh con, sinh cha"
Mong muốn chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng nuôi dạy con cho các cha mẹ có con em 0-6 tuổi, Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam và Generali Việt Nam đã triển khai chương trình giáo dục cộng đồng "Sinh con, sinh cha" với tài liệu tham khảo từ Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), cùng chuỗi 12 tiểu phẩm với sự góp mặt diễn xuất và dàn dựng của NSƯT Xuân Bắc, đại sứ thiện chí Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam.
12 tiểu phẩm "Sinh con, sinh cha" sẽ xoay quanh những tình huống thường gặp và những trăn trở của các bậc cha mẹ theo 3 nhóm chủ đề chính: Cùng con lớn khôn, Cùng con hành xử và Cùng con sống khỏe.
Bà Tina Nguyễn, Tổng Giám đốc Generali Việt Nam, chia sẻ: ""Sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông" là câu thành ngữ nói về sự hình thành vai trò của cha mẹ sau khi con cháu chào đời. Chương trình mong muốn truyền tải ý nghĩa sâu sắc về tầm quan trọng của vai trò làm cha mẹ và cách thực hiện tốt vai trò này đến với đông đảo các bậc phụ huynh trên khắp cả nước".
Tập đầu tiên của "Sinh con, sinh cha" vừa ra mắt đã nhận được nhiều phản hồi khi khắc họa hình ảnh một ông bố bận rộn nhưng kiên nhẫn, yêu thương con. Tiểu phẩm khiến người xem thấm thía, nếu không có sự sắp xếp và ưu tiên hợp lý, thì bố mẹ sẽ mãi quay cuồng với công việc và các mối bận tâm cuộc sống khác, dẫn đến không hiện diện bên con một cách toàn tâm toàn ý. Tiểu phẩm cũng gửi gắm một thông điệp quan trọng về vai trò của người cha trong việc phát triển trí tuệ, cảm xúc của trẻ. Trong gia đình, phẩm chất của người cha và mẹ sẽ bổ sung cho con.
Hoa Nghiêm

"Sinh con, sinh cha" nằm trong khuôn khổ tài trợ của chương trình "The Human Safety Net", một sáng kiến cộng đồng được Tập đoàn bảo hiểm Generali (Italia) triển khai từ năm 2017 trên phạm vi toàn cầu. Một trong 3 trọng tâm của "The Human Safety Net" là hỗ trợ các gia đình trong giai đoạn sáu năm đầu đời của trẻ nhằm tạo dựng một nền tảng vững chắc cho tương lai của trẻ, đóng góp tích cực vào sự phát triển tuổi thơ của các em tại những địa phương còn gặp nhiều khó khăn trên thế giới
Trong năm 2020, chương trình dự kiến có ít nhất 2.000 cha mẹ và trẻ em từ 0 – 6 tuổi cùng khoảng 400 giáo viên, cán bộ các trường mầm non tại Việt Nam tham gia các buổi hội thảo được tổ chức trên khắp các tỉnh thành cả nước. Ngoài ra, chương trình dự kiến tiếp cận hàng triệu khán giả qua kênh trực tuyến.