Động Hồ Công nằm trong khuôn viên chùa Thông, trên đỉnh núi Xuân Đài, xã Ninh Khang, huyện Vĩnh Lộc. Gần đây, lòng động được cơi nới, xây dựng nhiều bục bệ, bề mặt ốp gạch men. Một số vị trí đặt các tượng Phật, Quan Công, tượng rắn, bát hương. Hoạt động này do sư trụ trì chùa Thông triển khai.

Cửa động Hồ Công. Ảnh: Lê Hoàng
Ngày 15/3, ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, đã đề nghị UBND huyện Vĩnh Lộc dừng ngay các hoạt động xây dựng, cải tạo trong khu vực di tích quốc gia động Hồ Công; tháo dỡ các bục bệ đã xây, đưa toàn bộ tượng, bát hương ra ngoài.
Sở cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan đến hành vi tự ý xây dựng, đưa tượng, di vật vào động Hồ Công khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.
Sáng 16/3, chính quyền địa phương và Ban quản lý chùa Thông đã cho người tháo dỡ các hạng mục cơi nới, xây trái phép.

Nhiều bệ thờ, tượng và bát hương được đưa vào Động Hồ Công trái phép. Ảnh: Lam Sơn
Động Hồ Công thuộc vùng đệm, cách di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ khoảng 5 km. Động dài khoảng 45 m, rộng 23 m, cửa hình vòm. Từ cửa động, du khách có thể phóng tầm mắt tứ phía để ngắm núi sông, ruộng đồng, làng mạc, thấy núi Tiến Sĩ với hình dáng nhà nho áo mũ chỉnh tề đang đọc sách.
Từng có nhiều vua chúa, văn nhân nho sĩ như vua Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Tĩnh Vương Trịnh Sâm đến vãn cảnh động và để lại những bài thơ chữ Hán khắc trên vách đá. Với những giá trị về lịch sử, địa lý, văn hóa, tôn giáo, năm 2009 động Hồ Công được xếp hạng di tích danh thắng cấp quốc gia.