Danh sách bao gồm tên đầy đủ trung tâm, đơn vị chủ quản, địa điểm, giám đốc, số điện thoại liên hệ và thời gian cấp phép (thường là 3 năm). Việc công bố danh sách giúp người học tìm kiếm địa chỉ học, giám sát hoạt động của trung tâm, tránh học phải cơ sở không giấy phép, khi xảy ra mâu thuẫn thì không được giải quyết.
>>Danh sách 947 trung tâm ngoại ngữ được Hà Nội cấp phép
Theo điều 48 Nghị định 46/2017, trung tâm ngoại ngữ muốn hoạt động cần có 4 điều kiện. Thứ nhất là có quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập của người có thẩm quyền (Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nếu được Chủ tịch UBND ủy quyền).
Thứ hai, trung tâm có cán bộ quản lý, giáo viên, kỹ thuật viên giảng dạy lý thuyết, thực hành bảo đảm trình độ chuyên môn theo quy định; kế toán, thủ quỹ đáp ứng yêu cầu hoạt động của trung tâm. Số lượng giáo viên phải bảo đảm tỷ lệ trung bình không quá 25 học viên/giáo viên/ca học.
Thứ ba, trung tâm có đủ phòng học, phòng chức năng phù hợp, đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo; phòng làm việc cho bộ máy hành chính theo cơ cấu tổ chức của trung tâm để phục vụ công tác quản lý, đào tạo. Phòng học đủ ánh sáng, có diện tích tối thiểu bảo đảm 1,5 m2/học viên/ca học.
Thứ tư, trung tâm có giáo trình, tài liệu, thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập theo yêu cầu của chương trình đào tạo; có thư viện, cơ sở thí nghiệm, thực tập, thực hành và các cơ sở vật chất khác đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo và hoạt động khoa học công nghệ.
Xuân Hoa