Thực vật có mạch hay thực vật bậc cao là nhóm thực vật có mô mạch để truyền dẫn nước, khoáng chất và sản phẩm quang hợp trong cơ thể. Nhóm này bao gồm các loài dương xỉ, mộc tặc, thạch tùng, cây hạt trần và thực vật hạt kín hay thực vật có hoa.
Trong một "kỳ tích nghiên cứu" được xuất bản trên tạp chí Nature Reviews hôm 26/11, Tiến sĩ Martin Freiberg, người phụ trách Vườn Bách thảo của Đại học Leipzig của Đức, cùng các đồng nghiệp từ iDiv đã biên soạn và công bố danh sách tên khoa học lớn nhất và đầy đủ nhất của tất cả các loài thực vật có mạch được biết đến trên Trái Đất.
Tài liệu cập nhật mới được đặt tên là Danh mục thực vật Leipzig (LCVP) chứa tổng cộng 1.315.562 tên khoa học của các loài thực vật có mạch, nhiều hơn khoảng 70.000 so với Danh mục thực vật (TPL) - được tạo bởi Vườn Bách thảo Hoàng gia Kew ở London vào tháng 12/2010 - mà đến nay vẫn là nguồn tài liệu tham khảo quan trọng nhất cho các nhà nghiên cứu thực vật. Danh sách mới cũng giúp làm rõ 181.000 tên loài gây tranh cãi trước đây.
"Trong công việc hàng ngày tại Vườn Bách thảo, tôi thường xuyên bắt gặp các loài chưa được đặt tên rõ ràng. Danh sách tham khảo TPL hiện nay vẫn còn nhiều khoảng trống, gây khó khăn và giảm độ tin cậy của các nghiên cứu. Chúng tôi muốn loại bỏ trở ngại đó càng nhiều càng tốt", Freiberg chia sẻ.
Để biên soạn LCVP, các nhà nghiên cứu đã tổng hợp thông tin từ tất cả cơ sở dữ liệu liên quan có thể truy cập được, sau đó hài hòa và chuẩn hóa nó theo các tiêu chí tốt nhất. Nhóm cũng bổ sung hàng chục nghìn loài mới đã được xác định trong những năm gần đây, chủ yếu nhờ vào những tiến bộ nhanh chóng trong kỹ thuật phân tích di truyền phân tử.
Trên cơ sở của 4.500 nghiên cứu khác, Freiberg cùng các cộng sự còn đề cập đến nhiều cách viết và từ đồng nghĩa của các tên gọi. Đó là lý do mặc dù có tới 1.315.562 tên khoa học, danh mục LCVP trên thực tế chỉ bao gồm khoảng 351.180 loài riêng biệt và 6.160 loài lai tự nhiên. Chúng được xếp vào 13.460 chi trên 564 họ và 84 bộ.
"Hầu hết các lĩnh vực trong nghiên cứu thực vật đều phụ thuộc vào việc đặt tên loài. Việc ra mắt LCVP sẽ cung cấp một tài liệu tham khảo có mức độ tin cậy cao hơn nhiều, giúp hạn chế nhầm lẫn trong các kết quả nghiên cứu", Tiến sĩ Marten Winter từ iDiv nhấn mạnh.
Đoàn Dương (Theo Science Daily)