Ngày 23/2, UBND quận Cẩm Lệ đón nhận bằng xếp hạng di tích thành phố Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ (phường Hoà Thọ Đông). Đây là di tích khảo cổ duy nhất trong số 60 di tích cấp thành phố của Đà Nẵng.
Di tích được lấy tên theo làng Phong Lệ xưa. Trong quá khứ, đây là vùng đất chuyển giao từ vương quốc Chămpa sang Đại Việt sau cuộc hôn nhân lịch sử giữa vua Chămpa Chế Mân và công chúa Huyền Trân.
Cuối thế kỷ XIX, nơi đây là đồn điền. Chủ đồn điền là ông Camille Paris đã tìm thấy 30 hiện vật điêu khắc Chăm trên mảnh đất mình canh tác, chuyển về công viên Tourane (sau này là Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng).
Sau này, vùng đất Phong Lệ để hoang hoá, cây cối mọc rậm rạp. Sau năm 1975, hợp tác xã nông nghiệp địa phương san ủi một phần để làm trang trại chăn nuôi và người dân cũng dần kéo về dựng nhà, làm vườn.
Tháng 4/2011, vợ chồng ông Văn Tồn và bà Lê Thị Út (trú xóm Cấm, tổ 3 phường Hoà Thọ Đông), khi đào móng làm nhà đã phát hiện một pho tượng cổ đầu người mình chim và nhiều gạch Chăm.
Ngay sau đó, Bảo tàng Điêu khắc Chăm và các chuyên gia đã khai quật khẩn cấp 3 đợt (trong các năm 2011, 2012 và 2018), làm phát lộ khá rõ ràng và chính xác toàn bộ quy mô và cấu trúc nền móng của một toà tháp Chăm. Nhiều cổ vật thời Chăm đã được tìm thấy và đưa về bảo quản.
Đoàn khảo cổ nhận định, di tích Chăm Phong Lệ là một tổ hợp kiến trúc phân bố trên gò đất cao, bao quanh bởi dòng chảy cổ thuộc sông Cẩm Lệ, được người Chămpa bắt đầu xây dựng khoảng đầu thế kỷ X và duy trì thờ tự ít nhất đến thế kỷ XII.
Theo ông Võ Văn Thắng, nguyên Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, với những dấu tích còn lại, trong đó hố trong lòng tháp (còn gọi là Hố thiêng), được xây dựng theo bình đồ hình vuông.
"Miệng hố rộng 4,2 x 4,2 m; đáy hố 3,9 x 3,9 m; độ sâu 1,8 m được phủ lấp bằng cát trắng, cuội trộn lẫn với nhau, cho thấy di tích Chăm Phong Lệ là một trong những tháp Chăm lớn nhất miền Trung", ông Thắng nói.
Năm 2017, UBND TP Đà phê duyệt đề án di tích Chăm Phong Lệ làm ba khu vực: khu vực bảo tồn (2.653 m2); khu vực bảo vệ di tích (1.626 m2) và khu vực mở rộng để định hướng bảo tồn và phát huy giá trị di tích (15.461 m2).
Ông Nguyễn Xuân Tiến - Phó chủ tịch thường trực UBND quận Cẩm Lệ cho biết, khu di tích Chăm Phong Lệ trong tương lai sẽ là một phần trong cụm các di tích lịch sử, văn hoá được liên kết để phát triển du lịch.