Sau khi “câu” được bốn con chó, hai tên trộm bị dân làng phát hiện, đuổi đánh; một chạy thoát, một tử vong. Bốn nghi can đánh chết người bị triệu tập, đối diện với nguy cơ tù tội. Giữa thủ đô, trong thời bình, con người vẫn tự đặt nhau vào tình thế một cuộc chiến sinh tồn.
Hai trong số những người bị triệu tập đứng ra nhận tội đánh chết người. Họ đều là nông dân. Trên báo, người vợ một nghi can khóc nức nở. Chồng chị vốn là người hiền lành, chưa từng có điều tiếng ở địa phương. Lãnh đạo địa phương xác nhận anh là “công dân tốt”. Nhưng người ta đều hiểu rằng ngay cả khi bị đánh trả, đám đông khi đã thắng thế vẫn hoàn toàn có thể khống chế những kẻ trộm. Để kẻ trộm được sống. Để những người nông dân không thành tù tội.
Họ bỗng chốc trở thành nạn nhân của một trạng thái tâm lý đám đông kinh hãi - thứ đã tồn tại dai dẳng trong xã hội ta hàng thập kỷ qua.
Đánh cho nó sợ là lý lẽ của nhiều “người lớn”, từ thanh niên cho đến trung niên mà tôi đã nghe từ hồi còn trẻ con, ở khắp các làng quê từ cách đây phải đến 15 năm. Từ khi bắt đầu có nạn trộm chó, người ta đã đánh kẻ trộm - đánh ngày càng đau, từ bầm dập cho đến bây giờ là mất mạng.
Nhưng “nó” vẫn không sợ, và vì biết có thể bị người dân vây đánh đến chết, trộm chó bắt đầu mang theo vũ khí, là dao, thậm chí là súng tự chế. Hai kẻ trộm ở Phú Xuyên, Hà Nội cũng đã dùng hung khí đánh trả khi bị dân làng vây bắt.
Cuối cùng, kết quả sau bao nhiêu năm, trộm chó không thấy giảm, chỉ nguy hiểm hơn. Những người đánh trộm chó đều đâu đó tự cho mình đang nhân danh công lý. Nhưng nhìn rộng ra, có phải công lý theo cách đó càng được thực thi, xã hội của chúng ta lại càng trở nên bất ổn và dễ bị kích động hơn? Những vụ giết người ở ngoài đường càng xảy ra bởi những lý do không thể nào vô lý hơn. Trẻ con đánh nhau ở trường ngày càng man rợ hơn.
Thế giới đã có không ít câu chuyện thất bại vì những cá nhân tự cho mình quyền nhân danh công lý. Gần Việt Nam hơn cả là những gì diễn ra ở Philippines. Tháng 6/2016, Tổng thống Duterte của Philippines nhậm chức với cam kết sắt đá về việc diệt trừ tận gốc tội phạm ma túy. Trong thế kỷ 21 này, thật khó để tìm thấy ở đâu trên thế giới văn minh một chiến dịch như thế. Không cần pháp luật, không cần tòa án, không cần xét xử, chỉ cần nổ súng. Kế hoạch đơn giản là: bắn chết hết tội phạm ma túy, đất nước sẽ trở nên trong sạch. Pháp luật được đặt lên cò súng của cảnh sát, hoặc thậm chí là cả những lực lượng ẩn danh đi xe gắn máy.
Nhưng tội phạm không thể diệt trừ chỉ bằng quyết tâm ngây thơ. Sau một năm kể từ ngày chiến dịch nổ ra, không ai biết bao nhiêu người vô tội đã bị hành hình trên đường phố, bao nhiêu cảnh sát đã biến chất. Tiêu biểu như vụ một số cảnh sát Philippines bắt cóc doanh nhân Hàn Quốc Jee Ick-joo, vu khống thành tội phạm ma túy để tống tiền. Và bao nhiêu vụ trả thù cá nhân đã diễn ra.
Còn tội phạm ma túy, theo số liệu mà chính cục Phòng chống ma túy Philippines (PDEA) công bố: giá ma túy đang giảm đi. Giá giảm có nghĩa là nguồn cung đang dồi dào. Những người bị bắn chết ngoài đường chủ yếu là những con nghiện.
Không biết đến bao giờ chiến dịch như thế sẽ kết thúc, thứ để lại ở Philippines là một xã hội hỗn loạn, vô pháp luật, người dân lo sợ khi ra đường. Không biết bao nhiêu người nữa sẽ bị bắn chết, tội phạm ma túy ngày càng ẩn sâu tinh vi.
Nhìn từ chiến dịch mang tính quốc gia của Philippines đến chiến dịch chống trộm chó âm thầm đã diễn ra trong xã hội của chúng ta. Kết quả bên ngoài thì đã rõ ràng: tội phạm sẽ không giảm, xã hội sẽ càng bất ổn, nếu như cứ nhân danh công lý mà chà đạp lên pháp luật, lên những quyền cơ bản của con người.
Nhưng phía sau nó, khái quát hơn, là cuộc chiến mang tính nhân bản giữa cái thiện và cái ác trong mỗi con người và cả cộng đồng: cái ác không thể bị diệt trừ bởi cái ác. Làm như thế, cái ác được nuôi dưỡng bằng thức ăn của chính nó.
Chỉ có một con đường duy nhất để giữ cho xã hội này trở nên yên bình và tốt đẹp hơn, đó là trong bất kỳ hoàn cảnh nào, mỗi con người phải đủ bản lĩnh để luôn tôn trọng pháp luật, tôn trọng những giá trị cơ bản của quyền con người.
Bùi Phú Châu