U920t là mẫu máy tính ultrabook lai máy tính bảng khá độc đáo của Toshiba. Sản phẩm này xuất hiện ở Việt Nam khá sớm nhưng vẫn chưa được hãng bán ra chính thức. Đây là một trong những model điển hình cho xu hướng thiết kế máy tính lai sử dụng Windows 8 từ năm nay. U920t có một phiên bản khác với kiểu dáng giống và cấu hình gần tương tự là U925t đang được Toshiba bán ở thị trường châu Á với giá tham khảo khoảng 1.150 USD, tương đương 23,9 triệu đồng.
Satellite U920t phiên bản được thử nghiệm có cấu hình khá tốt với vi xử lý Intel Core i5-3317U tốc độ 1,7 GHz, bộ nhớ RAM 4 GB, chip đồ họa Intel HD Graphics, ổ SSD dung lượng 128 GB. Máy được cài đặt sẵn hệ điều hành Windows 8 bản quyền 64 bit. Màn hình của máy có kích thước 12,5 inch sử dụng tấm nền IPS độ phân giải 1.366 x 768 pixel.
U920t là một chiếc laptop lai máy tính bảng nhưng nếu coi phần máy tính xách tay là chính thì model này mới thực sự có nhiều ưu điểm. Độ mỏng 19,9 mm và cân nặng 1,5 kg là những số đo khá nổi bật với một chiếc máy tính xách tay và hoàn toàn đủ để đạt chuẩn ultrabook. Trong khi đó, nếu sử dụng như một chiếc máy tính bảng thì màn hình cảm ứng là hơi lớn và người dùng chắc chắn sẽ phải cần đến một điểm tựa cho máy thay vì sử dụng trên hai tay như các tablet khác.
Thiết bị của Toshiba có bộ khung bằng hợp kim chắc chắn, riêng phần dưới được bao bọc bằng lớp nhựa phủ cao su giúp cầm trên tay không bị trơn trượt. Để lộ ra bàn phím, người dùng trượt nửa trên máy hết cỡ sau đó lật máy lên. Bản lề của máy cho thao tác trượt và dựng khá nhẹ nhàng nhưng chưa cho thấy được sự chắc chắn cần thiết khi dựng lên. Hơn nữa, cáp màn hình bị lộ ra ngoài và liên tục di chuyển khi người dùng thao tác trượt nên sẽ gây ra lo ngại về độ bền của sản phẩm. Tuy nhiên, nếu xét về mặt cơ học, hệ thống cáp và bản lề trượt của 920t tạo cảm giác ít bị hỏng hóc hơn so với Vaio Duo 11.
Bàn phím của máy dù có nằm trong một khoảng diện tích khá chật hẹp nhưng kích thước không quá nhỏ, kiểu chiclet đang được ưa chuộng nên không khó để làm quen. Thử nghiệm cho thấy dù hành trình phím không dài nhưng độ nảy tốt, nhạy và có thể sử dụng lâu mà không bị mỏi tay. Các phím điều hướng khá lớn và nằm riêng biệt trong khi phím Windows cũng có logo mới tương tự như các model bắt đầu sử dụng Windows 8. Đèn nền cũng được trang bị đầy đủ để làm việc trong điều kiện ánh sáng yếu.
Máy sử dụng bàn di liền mạch với phần bấm hai phím chuột khá nhỏ nhưng dễ bấm và đặc biệt là hỗ trợ thao tác hai ngón khá nhạy dù chưa thể so sánh với touchpad của MacBook. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rất ít khi sử dụng đến touchpad bởi màn hình cảm ứng dễ dàng hơn và cũng nằm trong tầm với của tay người dùng khi để lên bàn hoặc hai chân để sử dụng. Touchpad của U920t cũng là một điểm mạnh so với đối thủ Vaio Duo 11 khi thiếu hụt chi tiết này và thay bằng trackpad quang học.
Sử dụng màn hình lớn cộng thêm tỷ lệ 16:9 dài khiến ít khi phải sử dụng máy theo hướng dọc. Tuy nhiên, thử nghiệm cho thấy máy phản hổi đổi chiều màn hình chưa thực sự tốt, thỉnh thoảng xảy ra hiện tượng chậm đến 2-3 giây sau mới đổi. Một điểm bất tiện khác đến từ hệ điều hành Windows 8 chưa thực sự tốt là nếu đang ở chế độ Desktop thì việc gọi bàn phím ảo phải thực hiện thủ công bằng cách nhấn tay vào góc dưới bên phải.
Mỏng nhẹ lại có bàn phím trượt nhưng U920t lại rất đầy đủ cổng kết nối như một chiếc máy tính xách tay thông thường. Phía sau của máy là cổng HDMI, USB 3.0 cùng hai khe tản nhiệt. Trong khi cạnh bên là USB 3.0, giắc nguồn, phím nguồn, tăng giảm âm lượng tiện bấm sử dụng khi cầm trên hai tay. Sản phẩm này còn có thêm một khe cắm thẻ nhớ SD để đọc dữ liệu hoặc mở rộng dữ liệu cho máy tính.
Hệ thống loa âm thanh nổi của U920t là tương đối tốt với âm lượng và chất của âm thanh là hay hơn một chút so với các mẫu ultrabook hiện có như Zenbook hay Series 5 của Samsung. Người dùng có thể sử dụng được với nhu cầu cá nhân trong căn phòng nhỏ dưới 20 m2.
Xem tiếp đánh giá màn hình, hiệu năng và pin
Tuấn Lê