Lợi thế của sản phẩm là ống kính chống rung thế hệ mới OIS 2.0 đa chiều, chế độ chụp ảnh chuyên nghiệp với giao diện tốt, hỗ trợ chụp ảnh RAW, phơi sáng 30 giây đi kèm với ống kính có độ mở lớn nhất trong làng điện thoại hiện giờ, f/1.8. Một yếu tố nhỏ nhưng để LG có thể thuyết phục người thích chụp ảnh trên điện thoại là màn hình của G4 hiển thị thật hơn Galaxy S6, dù về chất lượng camera có thể coi "một chín, một mười".
Với camera chính, ảnh chụp ở điều kiện đủ sáng, chất lượng ảnh của LG G4 không thua kém nhiều máy ảnh du lịch. Độ chi tiết từ cảm biến 16 megapixel khá tốt. Ngay cả khi phóng lớn, các chi tiết hiện lên khá sắc, màu trời xanh nhưng không bị đẩy lên nhiều so với thực tế. Điểm ấn tượng nhất trên G4 là khả năng chụp trong điều kiện ánh sáng yếu. Dù kích thước điểm ảnh chỉ ở mức khá, khả năng xử lý nhiễu lại rất tốt. Ở mức tầm trung như khoảng ISO 800, hình ảnh rất ít phát hiện nhiễu, điều ít smartphone làm được.
Đánh giá chi tiết camera của LG G4
Cái hay ở G4 nếu so với máy ảnh là việc kết nối Internet dễ dàng, ảnh đẹp sau khi chụp xong đăng được ngay lên Facebook, cũng không khó để chuyển cho bạn bè. Bên cạnh đó, camera trước của LG G4 với độ phân giải cao, được thiết kế để tạo ra các bức ảnh chân dung luôn lung linh, nịnh mắt là điều máy ảnh thông thường không làm được hay đầu tư.
Khác biệt và cá tính là đặc trưng ở ngoại hình của G4. Trong khi phong cách nguyên khối sử dụng các chất liệu kim loại hay kính đang là trào lưu của nhiều hãng, LG lại đi ngược lại. Nên nhớ chiếc Optimus G đời đầu tiên đã được làm nguyên khối với mặt lưng phía sau là kính nhưng đến G3 và sau này là G4, hãng lại trở về với kiểu tháo mở nắp lưng quen thuộc.
Lý do nhà sản xuất theo đuổi là việc người dùng có thể thay thế pin khi cần, đổi nắp lưng để làm mới điện thoại nếu muốn. Nhưng kéo theo đó, cảm giác cầm G4 chưa thật cứng cáp và chắc chắn như các điện thoại nguyên khối. Nắp lưng nhựa và được làm cong nhiều để ôm tay, nhưng hơi ọp ẹp ở phần dưới camera khi bấm tay mạnh hay cầm chặt.
Điểm cá tính nhất ở LG G4 là thiết kế mặt lưng làm từ da thật. Tại Việt Nam, G4 được bán ra với 2 phiên bản, khác nhau ở chất liệu của nắp lưng. Nếu không thích da, người dùng có thể chọn chất liệu nhựa với sơn màu và vân giống như kim loại (ghi) hay sứ (trắng). Thực tế, đẹp, sang trọng và đáng lựa chọn hơn là G4 phiên bản da dù giá cao hơn 2 triệu đồng.
Khi cầm, mẫu G4 lưng da đem đến cảm giác êm và thoải mái, cũng chắc tay chứ không trơn như vỏ nhựa thông thường hay kim loại và kính. Lớp da ở nắp lưng này rất mỏng và được làm da bò, sử dụng phương pháp thuộc thực vật với lớp phủ cho phép chống nước, chống ẩm, mồ hôi... được LG cho biết có thể sử dụng tốt với môi trường khí hậu ở Việt Nam.
Tất nhiên, da thật nên vẫn khó tránh khỏi việc sẽ bị mòn ở 4 góc máy theo thời gian, nơi chịu nhiều tiếp xúc và ma sát. Đường chỉ khâu nổi ở mặt lưng trông đẹp, tạo điểm nhấn bắt mắt nhưng sẽ dễ bám bụi và bẩn sau một thời gian nếu không được giữ gìn.
LG tiếp tục bố trí các phím cứng quen thuộc, phím nguồn và phím âm lượng, hoàn toàn ở mặt lưng thay vì viền như truyền thống. Trên G4, hệ thống phím này êm ái và tiện dụng. Nếu nháy 2 lần phím giảm âm thanh, camera sẽ lập tức kích hoạt, bắt nét và chụp trong vòng 1 đến 2 giây. Còn nháy 2 lần phím tăng âm lượng ở trên, ứng dụng ghi chú sẽ xuất hiện.
Ảnh thực tế LG G4:
Không còn cá tính như phần lưng, phía trước của G4 tỏ ra đơn điệu. Mặt trước của G4 giống G Flex 2 cũng như model tầm trung Magna, trông vuông vắn hơn và không còn tròn trịa mềm mại như G3 tiền nhiệm. Chi tiết đáng chú ý là màn hình được làm hơi cong nhẹ, phần nào cho cảm giác vuốt tay dễ chịu, thoải mái hơn so với màn hình phẳng truyền thống. Tuy nhiên, độ cong có bán kính cong 3.000 mm rất nhỏ và khó nhận thấy bằng mắt.
Màn hình hiển thị có thể nói đạt chất lượng xuất sắc. Khi xem phim, lướt ngoài hay hiển thị dưới trời nắng gắt, nó đều thể hiện rất tốt. Cùng kích cỡ 5,5 inch và độ phân giải 2K QuadHD như G3 tiền nhiệm, nhưng G4 cho hình ảnh trong, mịn màng và màu sắc rực rỡ hơn nhiều, nhờ tấm nền IPS Quantum Display. Công nghệ nghệ mới cho gam màu hiể thị rộng hơn 120%, độ tương phản và độ sáng tốt hơn lần lượt 50% và 30% so với màn IPS thế hệ trước.
So với đối thủ S6 và S6 edge từ Samsung, màn hình của G4 hiển thị ngoài trời tốt hơn, độ sáng tăng cao mà vẫn giữ được màu sắc, không bị nhạt đi. Không quá rực rỡ như Super AMOLED, nhưng IPS Quantum trên G4 cũng hơi nịnh mắt khi xem ảnh trên điện thoại, độ tương phản và màu sắc bị đẩy lên.
Về cấu hình, LG G4 chưa bằng loạt siêu phẩm cùng ra trong nửa đầu 2015 như Samsung Galaxy S6, HTC One M9 cũng như Sony Xperia Z3+. Tuy nhiên, nó phù hợp với mức giá thấp hơn tới vài triệu đồng mà LG đưa ra cho sản phẩm này.
Khác HTC và Sony, LG không dùng Snapdragon 810, mẫu chip bị chê trách quá nóng, thay vào đó là Snapdragon 808. Một quyết định hợp lý khi thực tế G4 hoạt động ổn định hơn các đối thủ, trong cùng một khoảng thời gian chơi game, máy không bị nóng gây khó chịu. Mặt lưng da cũng góp phần nào giảm nhiệt cho điện thoại khi cầm trên tay.
Trong khi đó, khó có ứng dụng hay trò chơi hiện giờ gây khó khăn cho cấu hình của LG G4. Sản phẩm chạy mượt, quản lý RAM tốt hơn Galaxy S6 và S6e nhưng độ mượt chưa như One M9.
Xét về hiệu năng qua các công cụ đánh giá, G4 không bằng được One M9, Xperia Z3+ cũng như bộ đôi Galaxy S6 của Samsung. Snapdragon 808 là mẫu chip 6 nhân thay vì 8 nhân như Snapdragon, dùng đồ hoạ Adreno 418 thay vì Adreno 430. Sự khác biệt rõ ràng khi sử dụng hay chơi game khó nhận biết được. Còn so với G3 năm ngoái, LG G4 tốt hơn nhiều.
Pin dung lượng 3.000 mAh chỉ đủ dùng trong ngày, từ sáng tới chiều muộn nếu dùng cả 2 sim và kết nối Internet thường xuyên. Thời lượng sử dụng đánh giá qua công cụ PC Mark chỉ đạt 5 giờ 45 phút, trong khi ở Galaxy S6 là 6 giờ 42 phút với trạng thái hoạt động tương tự, cả hai chỉ sử dụng kết nối Wi-Fi và không gắn sim.
Vỏ rời gỡ gạc lại phần nào cho LG G4 khi nếu cần kíp, người dùng có thể dùng thêm một viên pin phụ. Điểm cần lưu ý, G4 phiên bản bán chính hãng ở Việt Nam khi thử nghiệm vẫn hỗ trợ công nghệ sạc nhanh Quick Charge 2.0, tuy nhiên, củ sạc đi kèm với máy vẫn là loại sạc thường.
Nằm trong nhóm smartphone cao cấp, tính năng của LG G4 đa dạng. Sản phẩm được trang bị không thiếu các kết nối, giao tiếp không dây thông dụng, từ NFC, Wi-Fi băng tần kép chuẩn ac, Bluetooth 4.1 cho tới hồng ngoại để làm điều khiển từ xa, Miracast đề truyền hình ảnh không dây tới màn hình lớn hay sạc không dây (tuỳ chọn với nắp lưng riêng).
G4 còn là chiếc smartphone hiếm hoi ở phân khúc cao cấp hỗ trợ 2 sim, nếu chỉ tính hàng chính hãng. Đây là một ưu điểm thú vị khi thực tế nếu không có nhu cầu liên lạc bằng 2 số điện thoại, người dùng có thể tận dụng để sử dụng 1 sim chính và 1 sim phụ chuyên cho kết nối Internet 3G. Giải pháp hay để có được lưu lượng dữ liệu sử dụng lớn nhưng chi phí thấp.
Cũng như Galaxy S6 và One M9, smartphone của LG chạy Android 5.1. Giao diện tuỳ biến LG UX 4.0 trên G4 khá giống với G3 dù được thiết kế theo phong cách phẳng, tuy nhiên, biểu tượng ứng dụng chưa đẹp, phối màu trông lòe loẹt. Kho chủ đề (Theme) online được bố trí và quản lý rối, khó tìm kiếm.
Video những tính năng trên LG G4
Xét một cách tổng thể, với những tín đồ của LG, G4 là bản nâng cấp thực sự đáng tiền của G2 và G3. Đây cũng là smartphone có camera thuộc diện tốt nhất trên thị trường hiện nay mà người thích chụp ảnh bằng điện thoại di động khó thể bỏ qua.
Tuấn Anh