Chạy hệ điều hành Android 5.1 Lollipop là điểm đáng quan tâm ở A2010 khi phần lớn các smartphone phổ thông dưới 3 triệu đồng vẫn đang chạy Android 4.4 KitKat hoặc thậm chí cũ hơn. Điểm hay ở bản Lollipop là cho phép cài đặt và chuyển ứng dụng lên thẻ nhớ, đỡ tốn bộ nhớ trong và giúp máy chạy ổn định hơn. Giao diện trên smartphone phổ thông được Lenovo thiết kế giống như các model khác của hãng, không còn giữ giao diện gốc từ Google. Ngay cả thanh thông báo cũng làm lại, tiện hơn.
Nhưng giao diện chỉ cho phép chuyển đổi giữa hai chủ đề, bù lại nó được tích hợp thêm hiệu ứng khi di chuyển màn hình Home, khiến cho A2010 trông bắt mắt hơn các model cùng tầm như Philips S309, S308 hay Lumia 430, Lumia 435. Tính năng đáng chú ý ở Android 5.0 bị lược bỏ trên Lenovo A2010 là chế độ sử dụng đa tài khoản.
Cấu hình và hiệu năng khá tốt nhưng màn hình của Lenovo A2010 chỉ tạm được so với giá bán. Màn hình 4,5 inch có độ phân giải WVGA, vẫn thiếu cảm biến tự động điều chỉnh độ sáng như hầu hết smartphone giá dưới 2 triệu đồng. Chất lượng hiển thị rõ ràng, màu sắc khá tươi nhưng góc nhìn rất hẹp do sử dụng tấm nền TFT.
Màn hình của A2010 cũng cho thấy độ trễ lớn khi chạm, vuốt và thể hiện rõ với các thao tác cảm ứng nhanh lúc nhập liệu hay chơi game "chém hoa quả" Fruit Ninja. Công cụ Antutu Tester cho thấy máy chỉ nhận được tối đa 2 điểm chạm đồng thời, không được như các smartphone tầm trung hay cao cấp với tối đa tới 10 điểm cùng lúc.
Hiệu năng
Chip 4 nhân tốc độ 1,4 GHz trên A2010 cho khả năng xử lý ngang với nhiều model tầm 3-4 triệu đồng như LG Magna hay Lenovo A6000. Với game đua xe quen thuộc Asphalt 8, máy xử lý ổn ở thiết lập đồ hoạ mặc định Medium. So với Lumia 430 hay Lumia 435, khả năng xử lý đồ hoạ game trên Lenovo A2010 còn tốt hơn. Giá hời nhưng chạy được nhiều game là điểm hay ở sản phẩm.
Ngoài chip, thông số kỹ thuật khác của A2010 vừa đủ để đáp ứng các nhu cầu sử dụng thông thường. RAM 1GB cho dung lượng trống dư dả, thường trên 500MB nên hoạt động ổn định. Bộ nhớ trong 8GB với dung lượng trống ban đầu 3,8 GB, đủ để người dùng cài đặt các ứng dụng liên lạc phổ biến, Facebook, từ điển cũng như một, hai game lớn như Asphalt 8, Mordern Combat 5 mà không cần lắp thẻ nhớ mở rộng (hỗ trợ tối đa 32GB).
Tốc độ kết nối mạng của Lenovo A2010 khá tốt, duyệt web với 3G và Wi-Fi nhanh. Phiên bản bán chính hãng ở Việt Nam được trang bị kết nối 4G, sẵn sàng khi các nhà mạng trong nước đang rục rịch nâng cấp hạ tầng. Ngoài ra, máy còn sở hữu Wi-Fi chuẩn b/g/n, Bluetooth cũng như GPS như các smartphone khác.
Camera
Thông số kỹ thuật ổn với camera trước và sau lần lượt 2 và 5 megapixel, hỗ trợ đèn flash LED. Nhưng ảnh chụp ngay trong điều kiện đủ sáng cho độ chi tiết thấp, màu sắc xỉn và không có nước ảnh trong. Máy không có chế độ lấy nét tự động mà sử dụng tiêu cự cố định.
Điều khá lạ là Lenovo vẫn trang bị cho A2010 kha khá các tính năng mở rộng như chụp Panorama, chụp chuyển đông (một dạng video ngắn) hay làm đẹp chân dung, HDR. Video hỗ trợ độ phân giải HD 720 ở định 3GP nhưng chất lượng cũng chưa làm hài lòng như ảnh tĩnh. Thực tế, camera trên Lenovo A2010 chỉ đáp ứng được nhu cầu lưu lại hình ảnh khi cần thiết.
Thiết kế và thời lượng pin
Hỗ trợ 2 sim nhưng thời gian dùng pin của máy đủ dùng trong một ngày với thời gian hoạt động của màn hình gần 3 giờ. Trong phần cài đặt, máy cũng có tính năng tiết kiệm pin thông minh ở chế độ chờ. Nhưng điểm cần lưu ý, càng về mức dung lượng thấp, pin của sản phẩm tụt càng nhanh và máy cũng không có chế độ hoạt động dạng siêu tiết kiệm điện như các dòng máy đắt tiền.
Lenovo A2010 sở hữu thiết kế vỏ rời, trông khá thời trang nhưng một điểm lạ là rất giống Oppo Neo 3 (model có giá hơn 3 triệu đồng). Chỉ có vài khác biệt nhỏ phải để ý kỹ mới thấy, như phím âm lượng và phím nguồn đặt chung ở cạnh phải thay vì tách ra hai bên. Còn lại từ vóc dáng, mặt lưng cho tới cả loa thoại y xì nhau.
Dù sao, A2010 vẫn có thiết kế vừa mắt, cân đối. Cảm giác cầm máy thoải mái nhờ mặt lưng vát cong mạnh về viền. Vỏ cứng cáp và chắc chắn nhưng sẽ hơi đau tay khi cần cậy ra để lắp sim. Dù chạy Android Lollipop mới, Lenovo vẫn bố trí dãy phím cảm ứng riêng, tách biệt với màn hình. Thiếu đèn nền, nhưng cảm giác bấm chính xác vì màu sơn dễ nhìn.
Lenovo A2010 bán chính hãng ở Việt Nam với màu đen và trắng, hai màu sắc cơ bản phù với hầu hết người dùng điện thoại. Dù giá bán thấp, máy vẫn được trang bị phụ kiện rất đầy đủ, không thiếu tai nghe mà còn có thêm cả miếng dán màn hình.
Video đánh giá nhanh Lenovo A2010
Lợi thế rõ nhất về cấu hình với chip 4 nhân 64-bit hiệu năng ổn, chạy Android 5.1 cùng giá rẻ, Lenovo A2010 là một lựa chọn đáng tiền với người mới dùng smartphone lần đầu, hay học sinh, sinh viên.
Thực tế trên thị trường hiện giờ, chưa có nhiều lựa chọn Android khác đạt hiệu quả sử dụng tốt hơn model tới từ Lenovo.
Tuấn Anh