Với mức giá 4,99 triệu đồng, Desire 510 rơi vào phân khúc smartphone đang có sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường, với nhiều sản phẩm hấp dẫn ở cả phân khúc chính hãng lẫn xách tay. Model tới từ HTC sẽ phải đối đầu với Zenfone 5 của Asus, Galaxy Grand Prime của Samsung hay Lumia 730 của Nokia. Đâu là những lợi thế của chiếc Desire mới tới từ HTC ?
Thiết kế
Model này kế thừa hoàn toàn kiểu dáng từ những sản phẩm gần đây của HTC là Desire 816 và 610. Tuy nhiên, kích thước của máy nhỏ nhắn và kém thanh thoát hơn. Khung kính đen bảo vệ màn hình cho cảm giác viền mỏng khi màn hình không sáng, nhưng khi mở sẽ thấy các cạnh được làm dày và hơi thô. Thân máy không mỏng và cũng không còn kiểu dáng nguyên khối, nắp lưng tháo mở được để thay thế pin, gắn SIM hay thẻ nhớ. Dù vậy, nó vẫn rất chắc chắn, trọng lượng lớn giúp cho máy cầm đầm tay.
Tại thị trường Việt Nam, Desire 510 chỉ được bán ra với 2 màu đen và trắng. Trong khi bản màu đen tạo cảm giác đơn điệu thì màu trắng lại đẹp và thời trang hơn nhiều. Cả hai đều sử dụng kiểu vỏ nhựa Polycarbonate, sơn bóng ở mặt lưng, nên phiên bản màu đen dễ bám vân tay và trông bẩn. Bản màu trắng trông sạch hơn nhưng dễ để lại xước dăm nếu người dùng không chú ý.
Sở hữu khe cắm thẻ nhớ mở rộng, pin thay thế được dễ dàng nhưng thiếu sót đáng tiếc ở Desire 510 là chỉ một khe cắm SIM duy nhất dạng micro, trong khi hầu hết các đối thủ tầm tiền này đều có 2 SIM. Mặt trước được thiết kế giống như Desire 816 ở phần loa ngoài nằm ở phía trên màn hình, tuy vậy, hệ thống loa kép BoomSound không được HTC đem lên model tầm trung 510. Loa ngoài của máy đặt ở lưng giống như phần lớn các smartphone Android khác.
Ảnh chi tiết thiết kế của HTC Desire 510
Thực tế, HTC Desire 510 chưa phải là một smartphone thiết kế đẹp và tốt nếu xét trong cùng tầm tiền. Nếu đề cao tính thẩm mỹ, người dùng nên cân nhắc lựa chọn phiên bản màu trắng thay vì đen. Một điểm đáng chú ý, dù ở phân khúc thấp với giá bán tầm trung, nhà sản xuất Đài Loan vẫn trang bị cho Desire 510 bộ case bảo vệ thông minh DotView. Với phụ kiện bổ sung này, ngoại hình của sản phẩm phần nào sẽ trông đẹp và bắt mắt hơn.
Màn hình
Màn hình của Desire 510 cũng không phải là trang bị nổi trội. Nó có kích thước không quá lớn, 4,7 inch, và độ phân giải cũng không cao, 854 x 480 pixel. Mật độ điểm ảnh dừng lại ở mức 208 ppi, con số tạm chấp nhận được nếu xét về giá tiền, nhưng người dùng sẽ phải làm quen dần nếu như đã sử dụng các model có màn hình HD hoặc nét hơn. Bên cạnh đó, màn hình không quá lớn kéo theo việc phải chưa thêm dãy phím Android khiến cho phần hiển thị trên Desire 510 bị thu hẹp đáng kể, tạo cảm giác khó chịu khi dùng ứng dụng.
So với các smartphone khác của HTC, Desire 510 có khả năng hiển thị không tốt bằng khi góc nhìn của máy hẹp, màu sắc có phần nhợt nhạt và độ sáng không cao. Điều này khiến cho việc hiển thị ngoài trời chưa tốt, việc đẩy độ sáng lên mức tối đa để xem được nội dung là điều thường xuyên phải làm. Việc xem video clip hay xem phim tạm ổn khi khả năng thể hiện màu đen và độ tương phản của máy vào lúc này khá tốt. Tấm nền màn hình mà HTC sử dụng trên sản phẩm là LCD IPS.
Tính năng
Trong khi ở nhiều mẫu Desire giá thấp, HTC loại bỏ các tính năng và giao diện Sense độc quyền thì ở 510, điều này không xảy ra. Với người thích dùng Android của HTC, Desire 510 đem lại trải nghiệm quen thuộc và thú vị hơn các dòng Android của hãng khác cũng như bản gốc từ Google. Giao diện Sense 6.0 ở trên Desire 510 sở hữu các biểu tượng ứng dụng và widget đẹp, tiện dụng. Những thay đổi ở thanh thông báo, phần cài đặt Settings của HTC giúp người dùng dễ dàng quản lý thiết bị Android của mình dễ dàng, không bị rối.
BlinkFeed, màn hình cho phép người dùng cập nhật tin tức, mạng xã hội dạng tạp chí đẹp mắt, đặc trưng nổi bật trên smartphone HTC 2 năm nay cũng nhà sản xuất đem lên Desire 510 một cách trọn vẹn. Ưu điểm đáng nhắc đến ở smartphone tầm trung của HTC là việc chạy trên nền Android 4.4.3 KitKat, phiên bản khá mới nếu so với các đối thủ cùng tầm tiền khác trên thị trường.
Hai trang bị đáng giá khác về tính năng ở Desire 510 là việc tích hợp giao diện sử dụng dạng đơn giản, phù hợp với người mới dùng smartphone hay người lớn tuổi và chế độ Kid Mode, biến smartphone thành một chiếc máy giải trí thân thiện với trẻ em khi cần.
Ở chế độ sử dụng đơn giản, không chỉ phông chữ, biểu tượng ứng dụng được phóng to lên mà các ứng dụng, cài đặt cũng được đơn giản hóa đi nhiều. Các ứng dụng cần thiết có thể đặt trong một ô lớn ngay ở màn hình chủ. Trong khi đó, ở chế độ Kid Mode, người dùng có thể giao hoàn toàn Desire 510 cho trẻ mà không cần lo đến việc dữ liệu, ứng dụng quan trọng có thể bị truy cập, hay xóa mất.
Camera trên Desire 510 cũng đi kèm với nhiều tính năng mở rộng cùng với giao diện tiện dụng, kế thừa từ những smartphone đắt tiền của HTC như One M8. Giao diện camera cho phép người dùng nhanh chóng thay đổi giữa các chế độ chụp chỉ bằng cách vuốt màn hình.
Ngoài các chế độ chụp thiết lập, Desire 510 cho phép chủ động lựa chọn ISO theo ý muốn, tối đa ở mức ISO 800, hay điều chỉnh bù trừ sáng EV. HDR, Panorama, chụp đem... là những chế độ chụp mở rộng đáng chú ý được HTC tích hợp sẵn trên sản phẩm. Người dùng dễ dàng làm mới các bức ảnh khi chụp bằng việc chèn thêm màu sắc, hay chỉnh sửa hậu kỳ... Nó cũng hỗ trợ quay video độ phân giải Full HD 1.080p ở tốc độ 30 hình/giây.
Ảnh chụp thử từ camer HTC Desire 510
Dù vậy, thiếu sót đáng tiếc ở Desire 510 là việc camera trước độ phân giải không cao, camera sau không có đèn flash và chỉ có lấy nét tự động hoàn toàn. Việc không cho phép lấy nét theo điểm chạm làm khó khi bố cục ảnh. Chất lượng ảnh chụp từ sản phẩm ở mức chấp nhận được và đủ dùng để chia sẻ lên mạng xã hội. Ảnh có độ sáng tốt, màu sắc chưa trung thực. Trong khi độ nét không tốt, nhiễu khi phóng lớn do độ phân giải dừng lại ở 5 megapixel. Bù lại, các chế độ mở rộng như HDR, Panorama hoạt động khá hiệu quả.
Hiệu năng và thời lượng pin
Việc chỉ hỗ trợ 1 SIM, màn hình và độ phân giải trung bình và dùng viên pin 2.100 mAh đảm bảo cho HTC Desire 510 có thời gian sử dụng khá dư dả. Thời gian dùng trung bình ở mức độ cơ bản là từ một đến 1,5 ngày. Khi đó, kết nối 3G được mở liên tục, máy có 2 tài khoản e-mail ở chế độ push, đăng nhập các tài khoản mạng xã hội như Facebook và Twitter kết nối tới Sense. Với hai chế độ tiết kiệm pin thông thường và cao cấp, thời gian hoạt động của Desire 510 có thể được duy trì lâu hơn nữa.
Điểm đáng quan tâm nhất ở Desire 510 chính là cấu hình khi đây là sản phẩm đầu tiên được HTC trang bị vi xử lý 64-bit. Vi xử lý 64-bit là trang bị hiện giờ chưa có mặt nhiều trên các smartphone Android. Thực tế, với việc chưa được lên Android L và chỉ là model tầm trung, vi xử lý 64-bit của HTC Desire 510 chưa thể hiện được nhiều. Model này dùng vi xử lý Snapdragon 410 tới từ Qualcomm, với bộ xử lý đồ họa Adreno 306 và RAM 1 GB. Các thao tác sử dụng trên hệ điều hành Android và giao diện Sense chạy ổn, việc hoạt động đa nhiệm không có nhiều khó khăn.
Thử nghiệm hiệu năng cho kết quả nhỉnh hơn Zenfone 5 đôi chút, tương đương với chiếc smartphone cao cấp năm ngoái là Galaxy S4. Tuy vậy, kết quả này không phải quá ấn tượng, đạt hơn 20.400 điểm ở công cụ AuTuTu Benchmark, hơn 12.000 điểm ở Quadrant và đạt 58,8 hình/giây ở thử nghiệm NenaMark 2.
Rõ ràng, chip xử lý 64-bit không phát huy hiệu quả hoàn toàn ở thời điểm hiện tại trên Android. Khi thử với game Asphalt 8, Desire 510 chạy mượt nhưng khi chuyển sang tựa game Asphalt Overdrive mới hơn, máy lại chạy hơi giật và có số khung hình chưa đạt chuẩn. Bù lại, việc sở hữu sẵn nền tảng 64-bit hứa hẹn Desire 510 sẽ là một trong những smartphone sớm được lên Android L.
Thiết kế chưa phải nổi bật, camera tạm ổn nhưng bù lại có giao diện, tính năng tốt đi kèm chip 64-bit "tương lai" và thời gian dư dả, Desire 510 là lựa chọn ổn với người thích và muốn dùng Android của HTC, với chi phí đầu tư ban đầu không quá lớn.
Tuấn Anh