Canon 6D cũng như Nikon D600 không chỉ là những sản phẩm mới đơn thuần mà còn là dấu mốc khai sinh ra phân khúc hoàn toàn mới: DSLR cảm biến full-frame giá rẻ. Nếu như chỉ 10 năm trước, chiếc EOS 1Ds cảm biến 11 megapixel là ước mơ của hầu hết những người chơi ảnh với mức giá lên đến 7.999 USD thì nay để sở hữu chiếc 6D cảm biến 20,2 megapixel kích thước tương tự, mức giá chỉ hơn 2.000 USD. Hiện model này còn có giá dưới 40 triệu đồng hàng chính hãng và chỉ khoảng 33,5 triệu đồng hàng xách tay.
Ra mắt cùng khoảng thời gian với 5D Mark III ở phân khúc cao hơn nên Canon rõ ràng phải đặt ra bài toán phân biệt giữa hai dòng sản phẩm trong khi vẫn giữ dược thế mạnh so với đối thủ D600. Chính vì vậy, thay vì dựa trên mẫu 5D Mark II cũ hay thậm chí model 7D dòng cảm biến APS-C cao cấp, Canon quyết định 6D sẽ là sản phẩm mang nhiều điểm giống với 60D.
Một số điểm đáng chú ý mà Canon nhấn mạnh ở sản phẩm của mình bao gồm kết nối Wi-Fi, định vị GPS, màn trập chế độ hoạt động yên lặng và đặc biệt là khả năng lấy nét trong ánh sáng yếu mạnh nhất từ trước tới nay.
Thiết kế của 6D mang hơi hướng ảnh hưởng từ 60D nhưng lại thừa hưởng một số nét mới của 5D Mark III. Đầu tiên là bánh xe chế độ có thêm nút khóa cũng như công tắc nguồn tích hợp ngay bên dưới. Ngoài việc bỏ cần chỉnh joystick khiến nhiều người nuối tiếc, 6D còn thay đổi cách phóng lớn hình ảnh bằng một nút duy nhất phía sau và điều chỉnh độ phóng đại bằng bánh xe điều khiển bên trên.
Phím Q được thêm vào để thay đổi nhanh các thông số và sẽ rất cần thiết bởi màn hình phụ phía trên không còn hiển thị được nhiều kiểu thông tin như trước đây. Trong các nút chỉnh cài đặt nhanh của 6D, đáng chú ý có sự thiếu hụt của phím cân bằng trắng. Khi muốn thay đổi cài đặt cũng như chỉnh nhiệt độ màu, người chụp sẽ phải thao tác rất nhiều công đoạn phức tạp - điều không nên có ở một model đắt tiền như 6D.
Tuy nhiên, có vẻ như Canon hơi quá "ỷ lại" vào phím Q nên hãng đã lược bớt khá nhiều nút tắt khác trên máy. Ở phía trái hay dưới màn hình đều không còn các nút điều khiển như nhiều dòng máy cao cấp khác như Picture Styles. Phím xóa, menu, xem ảnh, thông tin được bố trí hầu hết ở phía bên phải và gần kính ngắm. Nhưng cũng có một điểm đáng khen là phím bật tắt chế độ quay phim và phím nóng được tích hợp nên khá dễ dàng trong các tình huống muốn chuyển nhu cầu nhanh.
Một điểm khá đặc biệt là dù cũng có bộ khung bằng hợp kim ma-giê, 6D lại có phần vỏ phía trên làm bằng nhựa tổng hợp polycarbon. Theo lý giải của Canon, điều này là để các kết nối Wi-Fi cũng như định vị GPS hoạt động tốt hơn. Nếu không có đặc điểm thiếu đèn flash phía trên, khá khó để nhận ra 6D thuộc hàng model cao cấp bởi máy khá nhỏ. Kích thước chỉ lớn hơn một chút so với 60D và nhỏ hơn 7D cũng như nhỏ hơn nhiều so với 5D Mark III. Tuy nhiên, cảm giác cầm máy vẫn rất chắc chắn, một ưu điểm luôn được Canon phát huy rất tốt trên các dòng một số.
Một điểm gây tranh cãi khác ở 6D đó chính là sử dụng thẻ nhớ SD, model đầu tiên trang bị cảm biến full-frame không sử dụng thẻ nhớ CF. Với chỉ một khe cắm duy nhất, 6D rõ ràng đã gặp bất lợi hơn so với đối thủ D600.
Canon 6D sử dụng kính ngắm với độ phủ 97%, hơi ít so với các dòng cao cấp sử dụng cảm biến full-frame khác. Tuy nhiên, kích thước của ống ngắm này lại cao hơn một chút so với đối thủ Nikon D600. Độ phóng đại kính ngắm của 6D là 0,71x, tương tự như 5D Mark III và Sony A99 trong khi D600 và D800 là 0,71x.
Xem tiếp hiệu năng hoạt động và chất lượng ảnh
Một số ảnh chụp thử từ Canon EOS 6D
Tuấn Hưng