Tôi mới đến đây đã biết ngay điều ấy, qua tivi, báo chí đã đành, cứ nhìn những pa-nô, khẩu hiệu, cờ quạt trưng đầy đường, trên nóc nhà, bên ngoài các công sở, trường học là đủ biết. Đã lâu lắm tôi không trở lại, quả là thị trấn P bộ mặt đổi thay không thể tưởng tượng nổi. Không còn là cái thị trấn lèo tèo mấy chục nóc nhà tranh vách đất chạy dọc hai bên quốc lộ thời tôi trẻ măng đến đây làm lính ắc ê nữa. Giờ đường phố chính thẳng tắp chạy dọc thị trấn, hai bên liền kề khối nhà ống bê tông cốt thép ba, bốn, năm tầng, nhà nào cũng có biển hiệu buôn bán, chăng đèn lập loè, hệt như một góc phố nào đó ở ven nội Hà Nội hay Sài Gòn được người ta bê về đặt tại đây.
Tôi ngồi vào một quán nước bên đường. Bà hàng nước trạc ngoài năm mươi tuổi, chắc là người dân tộc thiểu số vì mặc bộ quần áo chàm, cổ đeo cái vòng bạc khá to, giọng Kinh lơ lớ, nhưng nói năng đối đáp thì đâu ra đấy không ngọng nghịu chút nào. Bà hỏi bác uống nước gì, chè mạn, chè dây, chè đắng, chè giảo cổ lam đủ cả, chè nào cũng tác dụng thanh nhiệt giải độc, hạ huyết áp, tốt cho tim mạch, gan, ruột, dạ dầy. Tôi cũng muốn tìm hiểu vài thứ đặc sản địa phương, bảo cho chè đắng. Đúng là đắng ngắt, đắng như viên thuốc ký ninh mầu xanh quân y tiểu đoàn bắt phải uống mỗi ngày hồi tôi ở B2 bị sốt rét trọc cả đầu, nhưng uống xong thứ chè này lại có cái thú là vị ngọt nơi cổ họng đọng lại khá lâu. Tôi thử tiếp chén nữa, chè dây. Nhằng nhặng đắng thôi và cũng ngọt giọng không kém. Thấy tôi không gọi nữa, bà chủ quán mau miệng hỏi:
- Bác có uống chè mạn? Chè san tuyết toàn hái búp trên cây cổ thụ mọc núi đá, không có tí thuốc thực vật bảo vệ (đáng lẽ phải nói bảo vệ thực vật) nào. Tôi cười bảo, sắp vỡ bụng rồi, để sau vậy. Bà cũng cười bảo, chắc bác vừa ăn sáng. Quê em có loại phở chó ngon lắm, cũng là đặc sản bác đã xơi chưa?
- Vừa ăn xong - Tôi nói - Hơi mặn.
- Ấy là bác không biết cái quán “Ngon” bên hồ cạnh nhà em đấy thôi. Cán bộ Trung ương, cán bộ tỉnh về thể nào huyện chẳng chiêu đãi ở đấy. Phở chó thì nhất luôn, thơm, mềm không có tí mùi chó nào. Em không ăn được thịt chó, đấy là nghe ông xã em tả thế. Các quan đến ăn sáng phở chó ở quán ấy, trưa, chiều chiêu đãi chuyên đề đặc sản thú rừng, nhím, cheo, cầy hương, cầy vằn, lợn độc, hươu, nai, gấu con gì cũng có, tươi sống chứ không như dưới xuôi toàn lạnh ướp…
- Đêm khuya thì đãi quan món đặc sản gì? - Một ông khách ngồi cạnh tôi bỗng góp chuyện - Bà chị chắc không biết đâu, chứ ông xã của bà rành cái món ấy lắm đấy.
Bà chủ quán lắc đầu tỏ vẻ không hiểu, rồi như chợt nghĩ ra cái ẩn ý trong câu hỏi liền cười tít mắt bảo:
- Đàn ông các bác phức tạp lắm, hám đặc sản lắm. Đàn bà bọn em chỉ đơn thuần bếp núc, phục vụ chồng con thôi.
Tôi hỏi:
- Ông chủ tịch huyện có hay ra đấy không?
- Thì quán người nhà mà lị - Bà chủ nhanh nhảu - Ông xã em là em họ ông chủ tịch. Bác ấy đã làm chủ tịch sang nhiệm kỳ hai rồi, tín nhiệm lắm, sắp được điều lên tỉnh. Cấp trên về như cơm bữa. Đài báo ca ngợi thả phanh.
- Nhà ông ấy ở đâu? Tôi hỏi.
- Kìa - Ông khách ngồi bên góp chuyện, chỉ về hướng cuối thị trấn - Bác có thấy một cây chò chỉ thẳng tưng, còn cao hơn cả cái tháp của ngôi nhà phía trước không? Nhà chủ tịch huyện em đấy. Tay này thích chơi trội, trồng hẳn cây nêu cao vống như thế cho xung quanh từ xa ai cũng phải nhận ra lãnh địa của ông. Ông ấy mới dọn về đây khoảng chục năm thôi, cây chò dễ đã trăm tuổi có dư, mà không phải mọc sẵn ở đấy, bác có biết là tại sao không? Từ rừng già cách đây gần năm chục cây số, ông bứng nguyên cả gốc rễ về trồng sau vườn để lấy bóng mát đấy. Riêng vụ chuyển cây này tốn cỡ dăm bẩy chục triệu. Ăn chơi chưa! Còn ngôi nhà của quan huyện, bác mà đến sẽ thấy tân cổ giao duyên có một không hai, nhìn lác mắt. Quê em, cỡ quan huyện trở lên muốn bao nhiêu đất chả được, muốn chơi kiểu gì chả được.
- Ông ấy tên gì nhỉ?
- Đăng Văn Lìu tức Lưu Văn Đằng - Ông khách cười khì khì - Nghe đâu ông cố nội di cư từ Quảng Tây xuống, về đây đã sáu, bảy đời rồi.
- Có mấy con? Tôi hỏi tiếp ông ngồi bên.
- Hai - Ông lại toét miệng cười, nói - Hai “cách cách”. Tỉnh này nghiêm lắm, đẻ quá hai là kỷ luật cắt tiên tiến, hạ lương. Bố đẻ ông Đằng trước là công nhân lái máy ủi của lâm trường, độc đinh, nhõn ông, sau còn hai bà con gái. Ông Đằng trên danh nghĩa có hai con vịt trời, nhưng ai biết ma ăn cỗ. Bác ở xa không biết chứ, vừa rồi cả tỉnh em bàn tán xôn xao về chuyện một vị phó chủ tịch đã hưu lâu rồi, nổi tiếng vì có đến sáu “cách cách”. Thời cũ cho đẻ thoải mái, ông càng cố càng ra “cách cách”. Đúng là tam nam bất phú, tứ nữ bất bần, nhà vị giàu nứt đố đổ vách, bác bảo hồi bao cấp mà sáu cô sắm cho sáu cái xe đạp Pơ-giô da đồng thì nhất rồi còn gì, một đàn bướm bướm xinh lượn trên phố ai nhìn chẳng lác mắt. Thế nên ai cũng tiếc cho ông, bảo tiền nhiều xây nhiều nhà tình nghĩa, chỉ mấy thằng con rể là chuột sa chĩnh gạo. Bao nhiêu năm ông kín như bưng. Lão thành cách mạng, gia đình văn hoá kiểu mẫu. Đến khi nằm xuống, đùng một cái có luôn một bà dẫn một cậu về chịu tang. Mà đến lúc ấy cậu đã đủ tuổi công dân, tức là năm ông chuẩn bị về hưu thì gặp mẹ cậu, còn mặt mũi tóc tai cậu giống ông như tạc, chẳng cần thử gien giếc gì hết cũng nhận ra đích thị con ông. Bà cả cùng các cô chị ngậm tăm, di chúc ông đã viết sẵn, có công chứng hẳn hoi, của cải chia bôi đâu ra đấy, con gái con trai sòng phẳng, không thể kiện cáo tị nạnh được. Em nói thế, người xuôi có dám khinh thường dân miền núi chúng em là ngù ngờ không? Giờ miền núi có khối khoản còn vượt miền xuôi các bác ấy chứ lị.
Nói xong ông khách lại cười, hô hô ha ha hết cỡ, đoạn vớ cái điếu cày, nhồi thuốc lào, châm đóm khoái trá rít một hơi ròn tựa súng liên thanh, khói phả mù mịt ra phía sau. Bà chủ quán bỗng xen vào, tỏ ý trách ông kia:
- Thời nay trai gái quan trọng gì, con nào chẳng là con. Cán bộ, đảng viên thì phải gương mẫu đi đầu chứ. Ông chỉ được cái hay vạch áo cho người xem lưng thôi.
Ông khách lườm bà chủ một cái, bảo:
- Có mà đứng đắn cái mắt!
Tôi hỏi tiếp ông khách:
- Hai cô gái con ông ấy làm gì?
- Đứa lớn đang học ở Úc. Đứa sau học phổ thông, trường thị trấn. Nghe đâu ông mới cho cô út lên Hà Nội học từ hơn nửa tháng nay. Lạ, con bé đang học dở lớp mười hai, ở đây thi cử tốt nghiệp phổ thông chẳng dễ hơn à, khi nào ôn thi đại học mới về thủ đô chứ. Đấy là do đứa con gái em học cùng trường với con ông Đằng nói lại. Cô này xinh thì có xinh mà nghe đâu tính ương như như ổi ấy.
- Cô ấy đi học trên Hà Nội thật chứ việc gì phải nói dối - Bà chủ quán lại xen vào - Có điều kiện thì đi sớm lúc nào chả tốt lúc ấy à. Nhà em kể, vợ chồng ông anh em đang rục rịch tìm mua nhà trên ấy. Sau khi ông anh em hưu sẽ chuyển tất về thủ đô.
Tôi trả tiền nước. Bà chủ giờ mới nhìn tôi từ đầu đến chân, nửa đùa nửa thật mà bảo:
- Nom bác như công an trung ương về đây điều tra vụ việc gì gì ấy nhỉ.
Ông ngồi bên thì nhòm tôi lướt qua một lượt, rồi ra chiều trách cứ bà chủ quán là không biết đánh giá con người:
- Chán mớ đời cho cái bà này. Tuổi tác như bác, bệ vệ trán cao lông mày rậm như bác nếu là công an, quân đội thì cấp đại tá, thiếu tướng, thèm đi điều tra vụ việc như bọn trẻ ranh èng èng cấp uý à.
Tôi quay sang ông ta bật cười mà bảo đúng tôi là thiếu uý công an hình sự đi tập sự điều tra vụ việc đây. Thêm một mẻ cười rung quán. Nghe tôi hỏi đường lên Uỷ ban tỉnh, ông khách liền rối rít bảo, bác cứ ngồi sau em, rước tận nơi, giá rẻ bất ngờ. Em là xe ôm chính khựa.
Phạm Quang Đẩu
Còn tiếp...
(Tiểu thuyết "Đánh đu cùng số phận" của Phạm Quang Đẩu, do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2012)