Khi đến vị trí đánh bắt, một ngư dân châm lửa vào cây gậy dẫn khí axetylen, được tạo ra bằng cách thêm nước vào đất đèn mà người dân địa phương gọi là "đá lưu huỳnh". Một khung cảnh hỗn loạn diễn ra sau đó, khi hàng trăm con cá mòi lấp lánh nhảy lên trên mặt biển như những ngôi sao băng.
Ngư dân hối hả vớt cá vào lưới. Mùi hăng của axetylen thoang thoảng trong không khí.
Ngư dân ở phía bắc Đài Loan đã dùng phương pháp đánh bắt cá mòi bằng lửa như vậy suốt nhiều thế kỷ. Theo Sở Văn hóa thành phố Tân Bắc, ghi chép sớm nhất về kỹ thuật đánh cá bằng đất đèn có từ khoảng một thế kỷ trước, trong thời kỳ hòn đảo này bị Nhật Bản chiếm đóng.
Tục lệ đánh bắt này được cho là có nguồn gốc từ người Basay, nhóm thổ dân sống ở khu vực này nhiều thế kỷ. Khoảng 6 thập kỷ trước, hàng đoàn thuyền đánh cá ra khơi trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 8, thắp sáng mặt biển bằng những ngọn lửa vàng dịu. Nhưng cá mòi dần giảm giá trị và ngày nay chỉ còn một thuyền duy nhất còn đánh cá bằng lửa ở Đài Loan.
Hsu Cheng-cheng, 60 tuổi, một người Đài Loan chuyên tổ chức tour du lịch, đã tìm cách duy trì truyền thống này. Từ năm 2012, ông tổ chức các tour du lịch thường xuyên ở Jinshan, thị trấn ven biển nông thôn ở phía bắc Đài Loan, giúp du khách hiểu rõ hơn cách đánh bắt bằng lửa, vốn rất hiệu quả để bắt cá mòi, loài cá phổ biến ở Đài Loan.
"Ngày xưa người ta thường bắt cá mòi làm thức ăn. Cá ngọt, có nhiều xương nhỏ nên rất giàu canxi", ông nói. "Cá thường được rán hoặc kho với nước tương và sợi gừng".
Cá mòi thường được đánh bắt vào mùa hè vì khi đó chúng di chuyển theo dòng hải lưu qua Thái Bình Dương đến bờ biển phía bắc Đài Loan. Khi thuyền đến vị trí đánh bắt, ngư dân chịu trách nhiệm châm lửa sẽ hướng dẫn thuyền viên đổ lượng nước phù hợp vào đất đèn đúng thời điểm. Bị ánh sáng từ ngọn lửa đất đèn thu hút, cá mòi nhảy lên khỏi mặt nước, rơi vào lưới.
Tuy nhiên, truyền thống này dần bị mai một khi lượng cá mòi trong khu vực suy giảm nhanh chóng. Loại cá này cũng dần trở nên ít phổ biến và rẻ hơn, khiến nhiều ngư dân phải bỏ nghề.
Hsu cho biết ông được truyền cảm hứng lưu giữ truyền thống vì đó là một phần quan trọng của di sản địa phương ở Đài Loan. "Tôi có cảm giác loại hình đánh bắt này sẽ sớm không còn nữa", ông cho hay.
Khi đánh bắt cá mòi không còn mang lại lợi nhuận, các chuyến du lịch của Hsu đã tạo ra thu nhập cho ngư dân, để họ duy trì truyền thống và quảng bá với thế giới.
Năm 2015, truyền thống đánh cá bằng lửa được chính quyền địa phương đưa vào danh sách "tài sản văn hóa", nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của gìn giữ phong tục truyền thống.
Trong khi nhiều ngư dân bỏ nghề do công việc khó nhọc và thu nhập thấp, Chien Shi-kai, 28 tuổi, quyết định nối nghiệp gia đình. Chien bắt đầu học đánh bắt cá mòi bằng lửa ngay sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự.
"Bố tôi sở hữu một thuyền đánh cá nên việc tôi kế nghiệp là điều tự nhiên. Hai năm trước, người phụ trách châm lửa đã nghỉ vì vấn đề sức khỏe. Bố tôi và các chú trên thuyền muốn truyền nghề cho thế hệ sau nên đã động viên tôi tiếp quản. Đó là lý do tôi trở thành người châm lửa trong thời gian ngắn như vậy", anh chia sẻ.
Trong chuyến đánh bắt này, Chien đảm nhận nhiệm vụ thắp sáng ngọn lửa trên con tàu đánh cá mòi bằng lửa cuối cùng ở Đài Loan.
Vào mùa hè đánh bắt, anh thường làm việc cả đêm. "Đó là công việc về đêm, lao động nặng nhọc. Khi công việc bận rộn, chúng tôi phải làm việc từ 16h đến 7h hôm sau", Chien nói.
Nhưng với Chien, công việc này cũng rất thú vị, bởi anh thích cảm giác bắt được mẻ cá lớn khi thả neo đúng chỗ và về nhà với con thuyền đầy cá.
Nhiều kế hoạch khác nhau đã được thảo luận trong cộng đồng và chính quyền để duy trì truyền thống đánh bắt cá bằng lửa, nhưng Chien nói không gì cấp bách hơn đưa cá mòi trở lại.
"Dù muốn quảng bá du lịch để hút khách hay tăng lợi nhuận cho nghề cá, điều quan trọng nhất vẫn là nguồn cá", anh nói. "Nếu chẳng có con cá nào thì cũng chẳng có gì hay cho du khách xem hay thu nhập cho người làm nghề".
Trong lúc chính quyền nghiên cứu chính sách, Chien và Hsu đã hợp tác với nhau. Hsu tổ chức các tour du lịch kéo dài 4,5 giờ để giới thiệu hoạt động đánh cá bằng lửa cho du khách và những người đam mê chụp ảnh trong những tháng mùa hè.
Từ cảng Bisha ở Keelung, thành phố giáp Tân Bắc, du khách có thể lên một con thuyền khác chạy gần tàu đánh cá của Chien khi ngư dân đánh bắt. Tàu cá sẽ chạy chậm hơn bình thường để thuyền chở du khách có thể bắt kịp. Ngư dân cũng ở vị trí đánh bắt lâu hơn để du khách có thể chụp ảnh cảnh họ lao động trên biển.
Phần lớn số cá sau đó được thả trở lại biển nhằm tăng số lượng cá trong tương lai. Hsu hy vọng mô hình kinh doanh hiện tại có thể tạo cơ hội duy trì truyền thống đánh bắt bằng lửa.
"Nếu cá trở lại và hoạt động như vậy có thể tạo ra đủ lợi ích kinh tế, ngư dân mới có thể tiếp tục nghề này và truyền thống có thể được hồi sinh", Hsu nói.
Huyền Lê (Theo CNN)