- Tâm trạng của chị như thế nào khi sắp biểu diễn trước khán giả TP HCM trong hai đêm 17-18/10 tại phòng trà Văn Nghệ sau hàng chục năm?
- Ban đầu tôi cũng hồi hộp vì khán giả thuộc thế hệ tôi thì đã biết giọng hát mình rồi, còn những người trẻ hơn liệu họ có thích nghe tôi hát hay không. Liệu họ sẽ tiếp nhận mình nữa hay không? Nhưng tôi tin rằng, khi hát bằng tất cả tấm lòng thì sẽ không làm khán giả thất vọng.
Ở độ tuổi 60, giọng hát của danh ca Bạch Yến vẫn chinh phục người nghe vì chất sâu lắng, ngọt ngào. Ảnh nhân vật cung cấp |
- Chị chuẩn bị cho hai đêm nhạc của mình như thế nào?
- Tôi thật sự mong khán giả cảm nhận rõ được ý nghĩa của chữ "sô" (show - chương trình) trong biểu diễn ca nhạc. Khái niệm "chạy sô" đã khiến cho ý nghĩa đẹp của từ này mai một. Một sô thật sự của người nghệ sĩ phải mang đến cho người xem, nghe những khoảnh khắc thú vị, sống động. Nghệ sĩ phải liên tục làm chủ chương trình, khiến khán giả không có thời gian chán và chương trình không có thời gian "chết".
Tôi sẽ thể hiện những ca khúc đã gắn liền với mình như: Đêm đông, Malaguena Salerosa, La vie en rose, Mama, I dreamed a dream, Anh cần em, Tân hôn dạ khúc... Không chỉ hát mà tôi sẽ kể lại những kỷ niệm gắn bó với các bài hát. Nghệ sĩ piano Jean Louis Beydon, giám đốc Viện âm nhạc Vanves, Paris, người đệm đàn cho tôi trình diễn hơn 10 năm qua cũng đến Việt Nam dịp này để hỗ trợ tôi. Ngoài ra, một người bạn khác của tôi là chuyên gia trang điểm Theresa Hà cũng từ Mỹ sang để lo cho tôi. Bởi tôi thực sự muốn, khi tái ngộ khán giả, tôi phải xuất hiện với sự chuẩn bị chu đáo cả về ngoại hình lẫn giọng hát.
Danh ca Bạch Yến (phải) bên chồng, Giáo sư Trần Quang Hải. Ảnh nhân vật cung cấp |
- Nổi danh từ tân nhạc nhưng hàng chục năm nay, chị gắn bó với nhạc dân tộc và nhiệt tình quảng bá nét đẹp nhạc truyền thống Việt Nam ra bạn bè thế giới, vì sao thế?
- Đó chính là nhờ chồng tôi, nhạc sĩ Trần Quang Hải. Những năm tuổi trẻ, được biết đến và được mọi người hâm mộ qua tân nhạc và nhạc phương Tây, tôi không nghĩ có ngày mình sẽ rời xa sân khấu sôi động, trẻ trung để đến với tiếng đàn bầu, sáo trúc, đàn tranh, cùng ca trù, chầu văn, dân ca. Nhưng khi gặp anh Hải năm 1978 tại Paris, lúc đó, anh còn là một chàng thư sinh, cao gầy và chưa mấy tiếng tăm, những kiến thức sâu rộng của anh về nhạc dân tộc đã cuốn hút tôi.
- Bị ảnh hưởng nhiều từ dòng nhạc Tây phương, giai đoạn chị "chuyển mình" sang nhạc dân tộc diễn ra như thế nào?
- Suốt 15 năm tôi phải hạn chế nghe nhạc Tây, kể cả nghe radio và xem tivi những sô nhạc như thế, và bỏ nhiều thời gian luyện tập, tìm hiểu, cùng anh Hải đi hát cho những chương trình văn hóa. Đôi khi tôi đi xách đàn cho chồng để học hỏi thêm từ anh. Nói nôm na, tôi bỏ nhiều thời gian và dồn tâm trí để "kho nồi cá kho" thuần Việt, bằng nước mắm chứ không bằng bột nêm Maggi, tôi nêm hành lá chứ không thêm bơ vào nồi cá... Đó thực sự là sự chuyển mình đầy khó khăn.
Ca sĩ Bạch Yến (phải) và nhạc sĩ Trần Văn Trạch, em trai Giáo sư Trần Văn Khê. Ảnh tư liệu |
- Hơn 50 năm gắn bó với nghề ca sĩ, lại sống ở nước ngoài, diễn nhiều chương trình lớn, chị có thể chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ trong đời mình?
- Nghề ca hát "hư nhiều hơn nên". Hào quang của nghề có thể đưa người ta đến những thế giới xa hoa, sang trọng với nhiều cạm bẫy. May mắn là tôi biết được đâu là giới hạn để dừng lại.
Có quá nhiều kỷ niệm trên con đường ca hát của tôi, kể cả những chuyện có thể được xem là kỳ lạ và hiếm khi xảy ra. Nhưng chắc tôi không kể ra hết mà để dành viết hồi ký (cười). Ví dụ chuyện tôi từng được danh ca Frank Sinatra của Mỹ mời dùng bữa.
Ngày trước, khi còn sống và hát trên đất Mỹ, có một lần tôi được ông bầu Jimmy Durante mời đi hát ở Las Vegas. Lúc đó tôi mặc áo dài, bới tóc cao, vô tình đi ngang qua phòng thay đồ của Frank Sinatra. Năm đó là năm 1966, giai đoạn mà danh tiếng của nghệ sĩ này đang thời vàng son. Nhác thấy tôi, danh ca hỏi ông bầu Jimmy Durante và nhờ chuyển lời mời tôi đi ăn tối. Khi đó tôi run bắn cả người vì sung sướng. Nhưng hôm sau, tôi tránh đi. Ông bầu gặp tôi hỏi lý do, tôi mới nói: "Từ trước giờ tôi đi đâu cũng có mẹ đi kèm, không dám đi một mình". Tưởng nói vậy là thôi, nhưng Frank Sinatra lại đánh tiếng mời cả hai mẹ con tôi đi ăn. Rồi ông còn mời hai mẹ con tôi đi xem ông hát ở một điểm diễn.
- Một thời tuổi trẻ của chị nổi danh với nhan sắc, tài năng, chắc không ít người theo đuổi. Chị có thể chia sẻ thêm về những cuộc tình của mình?
- Thời trẻ khi hát ở Mỹ, Pháp, tôi được rất nhiều người theo, người mình có người nước ngoài có. Nhưng hình như họ đều chỉ yêu bề ngoài và danh tiếng của tôi nên lần nào tôi cũng yêu "trật". Có một người Mỹ, là chủ của 6 đài truyền hình ở miền trung tây nước này theo đuổi tôi quyết liệt và hỏi cưới. Nếu tôi đồng ý, ông sẽ lo cho cả gia đình tôi và muốn gì được đó. Nhưng tôi từ chối với lời giải thích: "Tôi yêu anh chưa đủ để cưới anh!". Tôi từ chối nhiều người Tây vì không muốn lấy chồng nước ngoài nhưng khi yêu người Việt thì người ta toàn làm tôi khổ.
Đến khi gặp anh Hải tại Paris, chưa đầy 24 giờ anh đã ngỏ lời cầu hôn tôi và sau đó gửi 400 thiệp cưới đến mọi người khiến tôi vừa xúc động, ngỡ ngàng, vừa buồn cười. Lúc đó, tôi còn một hợp đồng biểu diễn ở Mỹ, phải 3 tháng sau mới hết hạn, nhưng anh bảo tôi không đi nữa. Và tôi theo chồng.
- Năm 2007, chị ra mắt cuốn hồi ký tập 1 "Tôi đi và sống" ở nước ngoài, bao giờ chị ra mắt những tập tiếp theo?
- Cuốn hồi ký tập 1 do tôi tự xuất bản. Tôi không phải là nhà văn, không học nhiều nên chỉ viết theo những gì mình cảm nhận, nhưng may mắn là được nhiều độc giả đón nhận. Hiện tại, dù bận rộn đi diễn, tôi vẫn mang theo máy vi tính xách tay, hễ rảnh là mở máy viết... Còn rất nhiều chuyện tôi muốn kể lại. Hy vọng trong một thời gian không xa, những tập tiếp theo sẽ ra đời. Tôi cũng mong, nếu có cơ hội, hồi ký của tôi sẽ phát hành tại Việt Nam cho độc giả trong nước.
Danh ca Bạch Yến (vợ nhạc sĩ Trần Quang Hải, con dâu Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê) là một trong những danh ca của Sài Gòn trước 1975. Bạch Yến sinh năm 1942. 10 tuổi, chị giành huy chương vàng cuộc thi tuyển lựa những giọng ca nhi đồng do Đài phát thanh Pháp Á tổ chức và sau đó được mời cộng tác với ban ca nhạc nhi đồng của Đài. Năm 15 tuổi, chị bắt đầu được khán giả chú ý với ca khúc Đêm đông của cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Năm 21 tuổi, Bạch Yến được mời qua Mỹ biểu diễn và trở thành người Việt Nam đầu tiên và duy nhất xuất hiện trên chương trình truyền hình Mỹ vào đầu năm 1965. Chị là người đại diện cho Việt Nam tham gia Environment Show (sô diễn lớn nhất nước Mỹ thời ấy) và biểu diễn cùng nhiều danh ca, ban nhạc nổi tiếng như Beatles, Bob Hoge, Bing Crosby, Pat Boone, Rolling Stones… Ngoài tiếng Việt, Bạch Yến có thể hát tốt các bản nhạc tiếng: Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Italy và Do Thái. Năm 1978, chị kết hôn với nhạc sĩ Trần Quang Hải, con trai của Giáo sư Trần Văn Khê. Cùng với chồng, trong 30 năm qua, chị đi hơn 70 nước trên thế giới để giới thiệu âm nhạc dân tộc Việt Nam. |
Thoại Hà thực hiện