Tôi đến thăm Thao vào một ngày hè oi nóng. Đôi mắt vô hồn nhìn những cánh quạt vù vù trên trần nhà: “Thao ơi, nhận ra bạn không?” Đáp lại tôi, chỉ một dòng cháo loãng chảy từ miệng xuống cổ. Người mẹ đưa ngón tay khô xạm, chiếc móng xanh đen vì hái rau muống, chậm rãi quệt phần cháo rớt, rồi quệt vào quần.
Thao từng là một con bạc nợ đầm, nợ đìa. “Lô, đề, cờ bạc, bóng bánh đủ cả, giờ thì đi vệ sinh cũng phải có người hầu”, bà mẹ tổng kết ngắn gọn cuộc đời cậu con trai. Thao vay lãi, báo nhà, đồ đạc, mảnh vườn, đám ruộng cứ thế đội nón ra đi. Mảnh đất hương hỏa chia làm ba, phần của Thao đã bán để trả một phần nợ. Thao báo bắt bạc, bị cả con bạc lẫn chủ nợ đến truy lùng, cậu trốn lên Sơn La mấy năm.
Ngày bố Thao mất, chủ nợ đứng đầy cổng, vừa canh chừng cậu về vừa để truy thu nợ. Nhưng Thao đâu dám về. Người bố khi còn sống là một ông phụ hồ lúc nào cũng ngây ngây mùi rượu, chiều nào cũng thả mấy nghìn đề. Nhưng bố Thao không có nhiều tiền, ông đánh nhỏ. Đến đời con thì khác: bạn tôi đánh lớn, không có thì vay. Cái làng ven đô sau cơn sốt đất chuyển sang sốt cờ bạc, lô đề. Nhiều nhóm chuyên cho vay lãi lập ra. Chẳng riêng gia đình bạn tôi, rất nhiều bi kịch tan cửa nát nhà.
Thao trốn đi 3 năm rồi đột nhiên mò về. Ở nhà được một tháng thì bị bọn cho vay nợ đánh. Bác sỹ bảo liệt cả người, không chữa được. “Nợ thế mà còn báo công an bắt bạc, đời nào chúng nó tha”, ông chú họ của Thao quả quyết sau khi nhấp chén trà đặc, “Tại nó ngu thôi!”
Suốt câu chuyện, mẹ Thao gần như không còn cảm xúc. Bà đã gán những mảnh ruộng cuối cùng ở một vùng ven Hà Nội để trả nợ cho con. Bà giờ kiếm sống bằng những ruộng rau muống cấy nhờ. Bà có ba đứa con trai, một gái. Thằng út cũng cờ, bạc, lô, đề, Thao còn nằm đây mà khuyên bảo thế nào em nó cũng không nghe. Bà kể, cái làng này đã từng có một vụ bắt bạc, hơn 30 người bị bắt, có nhà bắt cả bố, con trai, con rể. “Thế mà cháu biết không? Ngày bố thằng Thao mất, vẫn có mấy chiếu bạc bên hòm áo quan. Đánh thế để thức trông quan tài. Nó thành lệ của làng này rồi”, bà nói với tôi.
Rồi chuyện của Thao cũng nhanh chóng được thay thế bằng câu chuyện chấp bóng, “tài”, “xỉu” tối nay thế nào, mùa World cup khiến cái quán nước trước ngõ nhà Thao râm ran suốt. “Thấy không, dù cuộc sống có đáng thất vọng đến thế nào, thì chúng ta cũng có thể chờ đến cuối giờ chiều để nhen lên hi vọng. Việc cần làm là ngủ một giấc và nhớ những con số trong giấc mơ. Điềm đấy!” - Chú của Thao nhìn tôi cười trong lúc đút tờ tích kê với mấy con số vào túi áo đầy trân trọng.
Ông rời khỏi quán nước, trước khi một đám thanh niên kéo vào. Giấc mơ của ông vẫn còn, nhưng mảnh vườn nửa sào thì đã ra đi.
Cái không khí ở quán nước ấy, giờ đây có thể bắt gặp ở bất cứ đâu trên dải đất hình chữ S này: một góc công viên, một cuộc nhậu, bữa trưa của nhân viên công sở, một ngôi làng nghèo ở miền quê chỉ có nghề làm ruộng từ miền Bắc tới miền Tây. Thậm chí trên một chuyến xe hay một góc cầu thang bệnh viện với những khuôn mặt còn ngái ngủ. Ở miền Tây hiền hòa, 30 phụ nữ mới bị bắt vì đánh bạc.
Cờ bạc như một bệnh dịch mà y học mãi chưa thể tìm ra thuốc chữa, lan tràn cả đô thị lẫn nông thôn, bòn rút từ kẻ nghèo kiết xác đến những đại gia tiền tỷ. Hình thức của chúng thì biến hóa không ngừng, từ lô đề, cờ bạc, đến cá độ, đánh bạc qua mạng… Những con bạc dâng mình cho những con bạch tuộc khổng lồ như đường dây RikVip hay 23dzo.
Vụ trọng án đánh bạc trực tuyến, có sự liên đới của cựu lãnh đạo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao - C50 đang gây rúng động dư luận. Rúng động bởi quy mô và sự tinh vi của hoạt động này. Rúng động bởi những con số hàng chục triệu người tham gia, bởi số tiền phải chở bằng xe tải.
Hơn 43 triệu tài khoản là con số đủ cho thấy vấn nạn cờ bạc, đỏ đen đang phổ biến như thế nào. Tổ chức dánh bạc đã trở thành một thị trường “khủng” nhờ một lý do quan trọng là “sức cầu” trong máu đỏ đen đã ăn vào không chỉ một thế hệ. Nhiều chục năm, chúng ta nhân nhượng, dung thứ cho thói cờ bạc của người thân, bà con, bạn bè, giềng xóm… Ta chặc lưỡi khi nghe kể về những bi kịch tan cửa nát nhà vì cờ bạc của ai đó, theo kiểu “ ừ thì xã hội mà”. Một cách vô thức, nhiều người trong số chúng ta coi hành vi cờ bạc là một điều tất yếu của xã hội. Ta coi nó đơn thuần chỉ là một tật xấu mà ít khi mảy may nghĩ rằng hành vi đánh bạc là một hành vi vi phạm pháp luật – một hành vi phạm tội. Bất kỳ ai tham gia, tổ chức đánh bạc đều có thể bị phạt, tạm giam, bị truy tố.
Có cầu ắt có cung. Chúng ta lên án những đường dây đánh bạc, nhưng chưa đủ chú ý đến vế bên kia của vấn đề: “văn hóa” sát phạt, ăn thua đang hoành hành trong rất nhiều cộng đồng. Máu cờ bạc trong biết bao con người từ thành thị đến nông thôn, liệu đã trở thành “văn hóa đỏ đen”? Và cho đến khi cờ bạc, lô đề, cá độ vẫn còn là câu chuyện mào đầu lúc gặp nhau, là lệ làng, trò vui nơi công sở, với muôn kiểu trá hình thì vấn nạn này sẽ còn tạo ra vô vàn bi kịch.
Nó còn len lỏi bao lâu nữa, như những chiếc vòi bạch tuộc nguy hiểm, bóp nghẹt nhiều cuộc đời, mái nhà? Một chiếc vòi bạch tuộc bị chặt đi, ai dám khẳng định sẽ có những chiếc vòi mới, khỏe hơn, tinh vi hơn mọc ra?
Mai Đình Khôi