Ban đầu, tôi hoảng lắm, vì chưa phải Đảng viên. Nhưng ông tiếp: "Ông biết, ý ông muốn nói là các cháu phải sống gương mẫu để gia đình ta như một chi bộ Đảng trong sạch, vững mạnh".
Ông nội của vợ tôi là một Đảng viên lớp đầu, từ thời tiền khởi nghĩa. Trong suy nghĩ của ông, là Đảng viên tức là mang trong mình một sứ mệnh, vừa giản dị, vừa thiêng liêng, là những tấm gương về đạo đức trong cuộc sống, trong sinh hoạt, để mọi người phấn đấu học tập, noi theo. Câu nói "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau" với ông không chỉ là khẩu hiệu, mà là lẽ sống. Khi gặp tôi, ông đã về hưu lâu rồi, nhưng trong cuộc sống hàng ngày, dù bất cứ việc gì ông cũng chỉ yêu cầu người khác thực hiện khi bản thân mình tuân thủ. Tôi nghĩ, đó là phẩm chất thực sự của một Đảng viên chân chính.
Gần đây, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, Đảng viên. Điều đó nhắc tôi nhớ về những Đảng viên như ông nội của mình, những người coi việc sống như một tấm gương sáng về đạo đức như một trách nhiệm mặc nhiên. Và tôi tự hỏi, điều gì khiến cho những phẩm chất mà những thế hệ Đảng viên như ông tôi coi như đương nhiên ấy được nhắc nhớ lại, và coi như một bước đột phá trong phương thức lãnh đạo của Đảng hiện nay?
Bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương VIII vừa qua của tổng bí thư có đoạn: "Nếu gần 200 Ủy viên Trung ương khóa XII, từng đồng chí thật sự soi vào bản thân, đề cao trách nhiệm nêu gương và gương mẫu đi đầu thực hiện thì sẽ có sức lan tỏa rất lớn, sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, Đảng viên, nhân dân vào Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư". Vì sao điều này được nhắc lại? Bởi có một thực tế, trong những năm vừa qua đã có hàng nghìn Đảng viên, hàng trăm tổ chức Đảng, và hàng chục cán bộ Đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý đã bị kỷ luật vì vi phạm nguyên tắc Đảng, và cả các quy định của pháp luật. Thực trạng đó cho thấy trách nhiệm nêu gương đang trở nên xa lạ trong ý thức của nhiều Đảng viên.
Nếu những Đảng viên như ông tôi xưa kia cảm thấy xấu hổ "nhỡ" có hưởng thụ cuộc sống xa hoa hơn mọi người, thì nay chúng ta dễ dàng thấy những "biệt phủ" hay lâu đài hoành tráng của các Đảng viên quan chức ở các địa phương mà nhiều người dân còn phải cứu đói. Chúng ta dễ dàng thấy các cán bộ Đảng viên thản nhiên xuất hiện trên truyền thông với diện mạo phè phỡn, dùng đồ xa xỉ, du hí tại những điểm du lịch xa hoa, dù địa phương mà họ quản lý đa số là người sống dưới mức chuẩn nghèo, dù ngành mà họ quản lý đang thua lỗ ngàn tỷ.
Luật pháp không cấm Đảng viên sống xa hoa khi họ có thể. Song, nếu như những Đảng viên đó ý thức về trách nhiệm nêu gương của mình, họ sẽ thấy xấu hổ với sự xa hoa ấy khi mà cuộc sống của những quần chúng mà họ lãnh đạo còn rất nhiều khó khăn.
"Con đừng như thế, làng nước người ta trông vào, họ đánh giá!". Ông nội thường nhắc mỗi khi tôi đi cái xe phân khối lớn vào sân mà vẫn để nổ máy. Có thể, việc thằng cháu rể có cái xe máy to không phải vấn đề gì quá lớn, nhưng tiếng nổ to, thu hút sự chú ý của láng giềng là điều ông bận tâm. Có lúc tôi còn nghĩ đó là một biểu hiện của đạo đức giả. Song, sau này, khi chứng kiến nhiều cán bộ Đảng viên công khai hưởng thụ xa xỉ, tôi nhận ra rằng trách nhiệm nêu gương của bất cứ ai cũng không thể tự nhiên mà được nuôi dưỡng. Nó phải được nhắc nhớ hàng ngày bởi sự giám sát của người dân, và bởi thái độ của người dân.
Khi một cán bộ Đảng viên thèm khát được gắn chiếc biển xanh lên xe đắt tiền mình đang đi, hẳn anh ta không cảm thấy xấu hổ mà còn tự hào. Đó là bởi anh ta tin rằng người đời không có thói quen phán xét sự xa hoa của "cán bộ".
Khi một cán bộ Đảng viên vui vầy với rượu ngoại đắt tiền và cigar trước mặt "quần chúng" trong những buổi tiệc chiêu đãi với doanh nghiệp, có mặt giới truyền thông, hẳn anh ta không cảm thấy xấu hổ mà còn tự hào.
Vì sao ngày xưa ông tôi không tự hào mà lại xấu hổ khi người khác nhìn thấy thằng cháu rể của ông có cái xe máy to? Tôi nghĩ, có sự khác nhau giữa ông tôi và những Đảng viên kia về giá trị. Nhưng quan trọng hơn, thái độ của những người hàng xóm của ông tôi năm xưa, và thái độ của công chúng bây giờ, đối với những tấm gương cũng khác.
Ban chấp hành Trung ương ban hành quy định về trách nhiệm nêu gương của Đảng viên là một việc cần thiết. Song, quan trọng hơn, để duy trì trách nhiệm ấy, thì yếu tố quan trọng nhất là thái độ của công chúng khi soi vào những "tấm gương". Nếu người dân thờ ơ với những hình ảnh của cán bộ Đảng viên mà không cần suy xét, tấm gương nào cũng sẽ dần phủ bụi.
Phạm Trung Tuyến