![]() |
Đặng Thái Sơn đã thấy mình "tĩnh" lại. Ảnh: Ngọc Trần. |
- Buổi độc diễn này có ý nghĩa gì với anh?
- Đây là lần xuất hiện hơi đặc biệt của tôi. Hàng năm tôi đều về Việt Nam biểu diễn với các dàn nhạc, nhưng đây là lần đầu sau 15 năm tôi trở lại độc tấu. Độc tấu và đánh dàn nhạc có nhiều điều khác biệt vì dàn nhạc lộng lẫy, tưng bừng, còn độc tấu thân mật, thủ thỉ hơn. Đó có thể xem là kỷ niệm ba mươi năm sự nghiệp nghệ thuật của tôi.
Một nửa chương trình sẽ là Chopin. Khán giả Việt Nam thường chờ đợi tôi đánh Chopin, nhưng bên cạnh đó tôi cũng trình diễn các bản nhạc Pháp gần gũi với tôi và đã được đánh thử nghiệm nhiều ở nước ngoài. Tôi muốn mang lại làn gió mới cho khán giả Hà Nội. Đã từ lâu tôi biểu diễn những chương trình một nửa Chopin, một nửa là những tác giả khác. Thậm chí có buổi còn không có Chopin. Tôi không muốn người ta gán cho tôi biệt hiệu chỉ biết đánh Chopin.
- Sau ba mươi năm theo đuổi âm nhạc, anh tự thấy bí quyết thành công của mình nằm ở đâu?
- Trong nghệ thuật cái đầu tiên phải có là khả năng bẩm sinh. Sau đó là lao động hết mình. Có mầm tài năng là rất quý nhưng để mầm đó phát triển thành cây là con đường đầy gian nan. Phải rất tỉnh táo để không làm mầm hỏng. Từ trước đến giờ, tôi biết rất nhiều trường hợp không những trong nước mà cả ở nước ngoài, tài năng trẻ nghĩ mình là nhất nên bị thui chột và vỡ mộng. Chúng ta ai cũng biết, thế giới cạnh tranh là gay gắt vô cùng. Nếu không biết hoàn thiện mình thì không thể tồn tại được.
- Những lần về nước biểu diễn, anh đánh giá thế nào về trình độ thưởng thức của khán giả Việt Nam đối với thể loại âm nhạc bác học này?
- Tôi ngày càng hứng thú khi biểu diễn ở Việt Nam vì nhận thấy khán giả gần 10 năm nay trình độ thưởng thức được nâng lên rất nhiều. Đây có thể chỉ là đánh giá cảm tính của tôi khi nhận xét qua không khí, sự im lặng của khán giả trong thính phòng. Tôi tinh tế để phân biệt hai loại khán giả dù họ cùng im lặng. Một loại im lặng để lắng nghe say sưa, một loại im lặng mà không nghe gì. Đó là sự giao cảm đặc biệt. Ngay cả những buổi rực rỡ ở các trung tâm lớn như Paris, London.. không bao giờ có 100% người hiểu mà chỉ có tỷ lệ người hiểu sâu hơn mà thôi. Ở đâu cũng có đủ loại khán giả.
![]() |
Đặng Thái Sơn đến với khán giả bằng thứ âm nhạc giản dị, lời ít nghĩa nhiều. Ảnh: Ngọc Trần. |
- Anh nhận xét thế nào về tình trạng nhạc cổ điển bị lấn át so với những dòng nhạc khác?
- Bản thân nhạc cổ điển ở bất cứ nước nào trên thế giới đều không thể tự tồn tại. Hàng năm tôi đều có lịch hoạt động ở Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc…, có thể thấy độ đầu tư của họ rất kinh khủng. Âm nhạc cổ điển của Á Đông vì thế mà vươn lên mạnh mẽ. Khi người ta nhìn thấy tương lai mới có hứng khởi theo đuổi chứ nếu ảm đạm thì không ai muốn học.
So với thế hệ của tôi ngày xưa mọi thứ thay đổi quá nhiều. Chúng tôi khi ấy toàn bộ chi phí do nhà nước lo hết, chỉ việc học. Các em bây giờ có tự do lựa chọn, có điều kiện vật chất nhưng bị thả nổi, tài năng phát triển bột phát, chưa có con đường lâu dài.
Mong mỏi của tôi là sau này có thể lập ra một trường dạy piano cho các em nhỏ nhưng tiền bạc để mở trường thì rất khó vì không thể tính đến chuyện tự nó nuôi nó được. Tôi đang muốn kêu gọi sự hợp tác từ những cơ sở khác. Hiện tại, tôi chỉ có thể bằng lao động của mình hướng dẫn những em có tài năng trong nước, cho họ tham gia các trại hè âm nhạc nước ngoài.
- Trong năm 2010, Đặng Thái Sơn sẽ làm giám khảo concours quốc tế tại Ba Lan - cuộc thi lớn nhất trong lịch sử concours Chopin. Anh cảm thấy thế nào khi nhận lời mời?
- 2010 là năm rất đặc biệt, toàn cầu kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Chopin. Tình cờ là concours quốc tế Chopin cũng diễn ra vào năm này. Nó như cuộc cách mạng lớn trong concours này về chuyện tổ chức. Tôi được chọn là một trong 12 vị giám khảo. Đây là vinh dự lớn vì số lượng giám khảo cắt giảm một nửa so với bình thường là hơn 20 người.
Bên cạnh đó, cũng trong năm 2010, tôi còn có một hạnh phúc lớn là được trình diễn trong gala cùng hai pianist toàn cầu vào đúng ngày sinh 1/3 của Chopin.
- Trước đây anh từng nói đã qua thời khủng hoảng của tuổi 30. Vậy ở tuổi 50, anh thấy mình đang ở thời điểm nào?
- Thực ra không chỉ có một cuộc khủng hoảng ở tuổi 30. Mỗi thập niên lại có đợt này đợt kia nhưng bây giờ mọi chuyện đã chững rồi. Nếu tuổi 50 mà còn khủng hoảng thì quả hơi có vấn đề. Bây giờ tôi nhìn nghệ thuật và cuộc đời một cách khác, mừng là giữ được “cái tĩnh” bên trong và tìm được “cái tôi” của mình.
“Cái tĩnh” đó tác động nhiều đến âm nhạc của tôi. Bây giờ tôi lựa chọn bài và cách đàn khác ngày xưa. Trong chương trình hòa nhạc độc tấu tối nay của mình, tôi sẽ nói với khán giả một câu ngắn gọn: “Phong cách biểu diễn thay đổi cùng thời gian”. Tôi không còn cái sôi nổi, nồng nhiệt của tuổi hai mươi với cách đánh thơ mộng hồn nhiên. Tôi cần một không gian, sự im lặng. Lúc ấy chỉ còn lại âm thanh và sự giao cảm. Tôi đã đến độ nói bằng âm thanh mộc mạc, lời ít nghĩa nhiều.
Nhưng cũng không chắc là tôi tĩnh mãi. Biết đâu có sự kiện nào đó động đến đời của mình và tôi tự nhiên lại “pháo hoa rực rỡ”?
Ngọc Trần ghi