"Quyết định của người dân vào ngày 14/5 sẽ quyết định Thái Lan sẽ ổn định và đoàn kết tiến về phía trước như trong 8 năm qua, hay bị kéo tụt lại vào hố đen xung đột và hỗn loạn", đảng Quốc gia Thái Lan Thống nhất (UTN) cầm quyền cho biết trong video ngày 7/5.
UTN, đứng đầu là Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, đặt câu hỏi với cử tri rằng họ liệu có "thực sự muốn Thái Lan thay đổi", công kích hai đảng đối lập hàng đầu là Pheu Thai và Move Forward đang vận động tranh cử theo quan điểm này.
UTN đưa ra các giả định để chứng tỏ những thay đổi cấp tiến mà hai đang đối lập cam kết thực hiện là điều không mong muốn và sẽ đe dọa xã hội Thái Lan. Trong một giả định, đảng này cho rằng nếu Thái Lan hủy chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc theo đề xuất của Pheu Thai và Move Forward, đất nước sẽ bị tấn công vì không còn binh sĩ.
"Những người có tư duy khác biệt như vậy sẽ làm đảo lộn văn hóa, truyền thống và các giá trị tốt đẹp của xã hội. Thái Lan sẽ không còn như cũ", UTN cho biết thêm.
Video được UTN công bố khi Thái Lan chuẩn bị bước vào tổng tuyển cử bầu chính quyền mới. Hơn 2,3 triệu trong số 52,4 triệu cử tri đã bỏ phiếu sớm ngày 7/5, một tuần trước khi tổng tuyển cử diễn ra.
Các đảng đối lập đang chiếm lợi thế lớn trong nhiều cuộc thăm dò ý kiến cử tri. Ứng viên Pita Limjaroenrat của Move Forward gần đây nổi lên là lựa chọn hàng đầu cho vị trí thủ tướng.
Đảng Pheu Thai, có liên hệ với cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, được dự báo giành nhiều ghế nhất tại Hạ viện. Paetongtarn Shinawatra, con gái ông Thaksin, là một trong ba ứng viên đại diện Pheu Thai. Cô tuyên bố Pheu Thai sẽ không lập liên minh cầm quyền với các nhóm được quân đội hậu thuẫn.
Ông Prayuth, 68 tuổi, đã nắm quyền liên tục sau cuộc đảo chính của quân đội năm 2014. Tuy nhiên, do Tòa án Hiến pháp Thái Lan tính nhiệm kỳ của ông bắt đầu từ ngày 6/4/2017, nên nếu tái đắc cử, ông vẫn có thể tiếp tục nắm quyền đến năm 2025, theo giới hạn 8 năm được quy định trong hiến pháp.
Như Tâm (Theo Bloomberg)