"Đặt lệnh thôi. Hãy xem điều gì sẽ xảy ra", Hackney nghĩ và nhanh chóng nhấn mua đồng ASS lúc nửa đêm. Ông bố hai con, từng là nhân viên pha chế, giờ trở thành chủ sở hữu của 20.000 tỷ đồng ASS.
Những ngày qua, trào lưu tiền số chạy theo các meme "động vật" phát triển nhanh chóng. Ban đầu, chúng hình thành như một trò đùa, rồi trở thành các khoản đầu tư mạo hiểm nhưng nghiêm túc của nhiều người. Những đồng tiền này được gọi là "coin rác" hay "coin xổ số".
Thực tế, giá trị của chúng tăng hàng trăm, hàng nghìn lần, mang lại số tiền khổng lồ cho những người đầu tư. Tính từ đầu năm, Dogecoin– đồng tiền số bắt nguồn từ một trò đùa năm 2013 - đã tăng hơn 13.000%. Đồng Meme đã tăng hơn 3.000% kể từ tháng 8 năm ngoái. PooCoin đã tăng gấp đôi giá trị chỉ trong một tháng. SafeMoon cũng tăng hơn 56.000% kể từ khi ra mắt vào đầu tháng 3.
"Tam trụ" của tiền điện tử "xổ số"
Những nhà đầu tư nghiệp dư như Hackney đang đặt cược số tiền của mình vào các "coin rác" để trải nghiệm thị trường. Họ bỏ vào một số tiền nhỏ để mua một số lượng tiền số lớn, với hy vọng tài khoản sẽ được nhân lên nhiều lần. Họ là những người thích mạo hiểm, thường giao dịch trên các nền tảng nhỏ và ít được kiểm soát như Robinhood. Có hàng triệu người như vậy trên thị trường.
Nếu người mua là những người muốn kiếm lời từ những đồng tiền số tăng giá trị nhiều lần sau thời gian ngắn, đằng sau họ là cả một đội ngũ phục vụ. Những người này được gọi là "The Creator" - Người tạo coin.
Người tạo coin làm nhiệm vụ tung ra các đồng tiền số mới dựa trên hiệu ứng mạng xã hội hoặc theo một chủ đề nào đó đang thịnh hành. Những người này thường ẩn danh, chẳng hạn một anh chàng có biệt danh Fab. Anh là người Canada nhưng chủ yếu sống tại Thái Lan. Ban đầu, anh điều hành chuỗi quán bar riêng, nhưng phải đóng cửa do đại dịch và chuyển sang đầu tư vào tiền mã hóa.
Ban đầu, Fab kiếm được lợi nhuận lớn từ các đồng tiền số sau khi chúng nhân 10 lần giá trị. Tuy nhiên, sau đó anh nghĩ rằng mình nên tự tạo một đồng tiền riêng. Đồng SuperDoge với biểu tượng kết hợp giữa chó Shiba Inu và Super Man ra đời.
Nhân vật cuối cùng góp vào sự thành công của "coin rác" là "The Promoter" - Người bơm thổi. Những người này nhận tiền, thường từ 5.000 đến 10.000 USD cho mỗi hợp đồng để chia sẻ những "bí kíp" giao dịch trên mạng. Tuy vậy, chúng thường là những tin đồn thiếu xác thực với mục đích cuối cùng là thu hút sự chú ý và đẩy giá trị của "coin rác" lên cao.
Theo dữ liệu của Dune Analytics, có gần 10.000 đồng tiền số mới được tạo ra chỉ trong nửa đầu năm nay. Dù vậy, chỉ có một số rất ít trong đó thành công. "Đó là một thị trường với sự phát triển mạnh mẽ chưa từng thấy. Nó hoạt động 24/24, ở quy mô toàn cầu nhưng không có ai kiểm soát", Nic Carter, người đồng sáng lập công ty nghiên cứu Coin Metrics, nhận xét.
Tạo tiền số và "bơm thổi"
Fab cho biết, việc tạo ra SuperDoge chỉ trong một giờ. Tuy nhiên, anh phải nghĩ cách để đồng tiền này được nhiều người biết tới hơn. Để làm điều đó, anh bắt đầu chi tiền quảng bá.
Đầu tiên, Fab ra website mới, đồng thời giới hạn mua vòng đầu cho những người đầu tư với giá tốt nhất. Nhóm phát triển giữ lại khoảng 5% tổng số đồng được phân phối.
Để tăng giá trị vốn hóa, Fab cũng tự bỏ 150.000 USD tiền túi để mua đồng tiền do chính mình tạo ra. Thông thường, các đồng tiền như SuperDoge sẽ được tự động niêm yết trên các sàn như UniSwap hay PancakeSwap - những sàn giao dịch tự động, không có công ty cụ thể nào phía sau. Anh cũng chi khoảng 25.000 USD để SuperDoge được niêm yết trên một sàn giao dịch.
Để được nhiều người biết tới hơn, Fab phải cần đến "The Promoter". Anh đã chi 150.000 USD trong 20 ngày để thuê người nổi tiếng quảng bá SuperDoge, đồng thời chạy quảng cáo với tần suất dày đặc trên mạng xã hội. Mục tiêu của chiến dịch là tạo nên FOMO (tâm lý sợ bị bỏ lỡ) cho các nhà đầu tư, kích thích họ mua coin. "Đó là công thức nhanh nhất để kiếm lời", Fab nói.
Pablo Heman, người hiện có hơn 370.000 người theo dõi trên TikTok, đang nhận các hợp đồng quảng bá tiền điện tử với giá từ 5.000 đến 10.000 USD. Trong các video, anh cố gắng chèn quảng cáo hợp lý nhất.
"Nếu ai đó chịu chi cho 10 người ảnh hưởng (KOL) trở lên để họ quảng bá đồng tiền số của mình trên YouTube, Instagram và Twitter, tiềm lực của những công ty này thực sự lớn", Heman nói.
Bản thân Heman cũng là nhà đầu tư tiền số. Số vốn anh bỏ ra đã tăng hơn 1.000% kể từ tháng 2 và khoảng 70% trong 30 ngày qua. "Về cơ bản, tôi nghĩ tại sao lại không đặt 50 - 100 USD cho các đồng tiền và một vài trong đó sẽ 'cất cánh'", Heman cho biết. "Tôi đã biến 3.000 USD của mình thành 100.000 USD, nhưng câu chuyện này rất phổ biến trong giới chơi tiền điện tử 'xổ số'".
Tuy nhiên, Heman cũng cho rằng việc đầu tư như vậy "không khác gì trò cờ bạc" và cho rằng việc thổi phồng giá trị tiền số "xổ số" có thể là hành vi vô đạo đức. Anh khuyên người hâm mộ nên tỉnh táo trước những đồng tiền ít danh tiếng trên thị trường.
Nhanh chóng về giá trị thực
Fab đã ra sức quảng bá rằng đây sẽ là "Marvel trong giới tiền số". Anh cũng khẳng định đồng tiền mà anh tạo ra là hợp pháp và cam kết quyên góp 2% mỗi giao dịch cho các tổ chức từ thiện.
Những cũng giống những tiền điện tử "xổ số" khác, SuperDoge giảm nhanh giá trị sau khi lên sàn. Từ mức đỉnh 0,0135 USD mỗi đồng, hiện giá trị của nó chỉ còn 0,002 USD.
Tương tự với đồng ASS mà Hackney đã mua, giá trị của nó đã giảm từ "sáu số 0" (0,00000014 USD) còn "tám số 0" (0,000000007 USD). Với các đồng tiền meme khác, mức giảm cũng nhanh không kém, tới hàng nghìn phần trăm chỉ sau vài giờ.
"Nếu không thoát kịp lúc, tài khoản của bạn sẽ không còn một đồng nào", một chuyên gia về tiền số khuyến cáo.
Bảo Lâm (theo Bloomberg)