Đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ cùng VnExpress.net những vui buồn xung quanh Bao giờ cho đến tháng mười cũng như tác phẩm mới chuyển thể từ Nhật ký Đặng Thùy Trâm.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh (đeo kính) chỉ đạo diễn xuất trong những cảnh quay "Đừng đốt, trong đó đã có lửa" tại Mỹ. Ảnh: Đ.N.M. |
- Ông cảm thấy thế nào trước sự ghi nhận của thế giới đối với “Bao giờ cho đến tháng mười”?
|
- Tôi cảm thấy rất vui, bất ngờ và cảm động. Một bộ phim làm ra cách đây đã 24 năm mà vẫn còn được nhớ đến, được bình chọn là một trong 18 phim xuất sắc của châu Á, không cảm động sao được? Nhưng vui xong rồi lại chợt buồn. Nếu sau sự kiện này có ai hỏi: "Làm sao cho tôi xem (hoặc xem lại) bộ phim của anh vừa được CNN bình chọn", thì có lẽ tôi đành im lặng hoặc nói lảng sang chuyện khác. Chẳng nhẽ lại trả lời rằng sang bên Viện phim Fukuoka (Nhật Bản) mà xem vì quả tình ở Việt Nam đã hơn 20 năm nay chẳng lưu giữ bản phim nào còn nguyên vẹn. Bản phim gốc bị mốc, suýt hỏng nếu không được ông Gerry Herman, người Mỹ, đem sang Bangkok (Thái Lan) thuê tu sửa để sản xuất đĩa DVD, kéo dài đời sống của bộ phim. Ông Gerry hiện là chủ rạp Cinematheque Hà Nội ở 22A Hai Bà Trưng. Tôi rất biết ơn ông ấy.
- Trong khi Trung Quốc có tới 5 phim, Nhật Bản có 5 phim, Hàn Quốc và New Zealand có 2 phim lọt vào danh sách đề cử thì Việt Nam chỉ có “Bao giờ cho đến tháng mười”. Ông nghĩ sao về điều này?
- Nếu được lựa chọn tôi có thể chọn 100 bộ phim xuất sắc của điện ảnh châu Á qua các thời đại chứ không phải chỉ có 18 phim và điện ảnh Việt Nam có thể có nhiều phim chứ không phải một. Nhưng đây là sự lựa chọn của CNN, hệ thống truyền hình lớn, có uy tín nhất của Mỹ và thế giới. Nhân dịp này, qua báo điện tử VnExpress.net cho tôi được gửi tới đài CNN lời cám ơn chân thành nhất.
- “When the tenth month comes (Bao giờ cho đến tháng 10) vẽ nên một bức tranh sống động, kể về cảm nhận của một góa phụ trẻ tuổi về những di sản trong chiến tranh Việt Nam”. Đứng ở vai trò người cha tác phẩm, ông cảm thấy những đánh giá, nhận xét của CNN như thế nào?
- Tôi cho rằng đó là những nhận xét rất cô đọng và chính xác.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh và những cảnh quay tại Việt Nam của bộ phim chuyển thể từ cuốn sách nổi tiếng "Nhật ký Đặng Thùy Trâm". Ảnh: Đ.N.M. |
- Ông đánh giá thế nào về vị trí của “Bao giờ cho đến tháng mười” trong số những tác phẩm của mình?
- Đây là bộ phim thứ hai mà tôi nhận được giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam (sau phim Thị xã trong tầm tay) và là phim đầu tiên của tôi được khán giả nước ngoài đón nhận với nhiều thiện cảm, thoạt tiên ở Mỹ, rồi đến Ấn Độ, Pháp và nhiều nước khác, đặc biệt là Nhật Bản.
Tôi đạo diễn rất nhiều phim như Thị xã trong tầm tay, Cô gái trên sông, Thương nhớ đông quê, Mùa ổi…, nhưng nhắc đến Đặng Nhật Minh người ta thường nghĩ ngay tới Bao giờ cho đến tháng mười. Có lẽ sau sự kiện này thì Bao giờ cho đến tháng mười lại càng được nhắc đến nhiều nhất trong số gia tài điện ảnh của tôi.
- Những kỷ niệm cũng như khó khăn ông gặp phải khi làm phim “Bao giờ cho đến tháng mười”?
|
- Tôi làm Bao giờ cho đến tháng mười với chiếc máy quay cũ rích của Xưởng phim truyện Việt Nam khi đó. Kỷ niệm thì rất nhiều, vui cũng có mà buồn cũng có. Tôi đã mô tả rất tỉ mỉ về công việc làm phim, những cảm xúc và động lực thúc đẩy tôi làm phim này trong một chương dài của cuốn Hồi ký điện ảnh do nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố HCM xuất bản năm 2005. Chỉ có thể nói rằng không có gì liên quan đến những ngày làm phim đó mà tôi quên, nhất là những người đã giúp tôi, góp phần làm nên thành công của bộ phim.
Bộ phim được thai nghén từ nỗi đau không chỉ của gia đình tôi mà là của hàng triệu hàng triệu gia đình khác trên dải đất hình chữ S này.
- Mới đây, ông lại tiếp tục làm đạo diễn bộ phim chuyển thể từ "Nhật ký Đặng Thùy Trâm". Vì sao ông tâm đắc với đề tài chiến tranh như thế?
- Không phải tất cả các phim của tôi đều nói về chiến tranh. Đúng ra thì đây là bộ phim thứ ba của tôi có đề cập trực tiếp hay gián tiếp đến chiến tranh. Thực ra đối với tôi đề tài gì cũng được, miễn nói lên được thân phận của con người.
- Áp lực từ sự nổi tiếng toàn cầu của cuốn sách "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" tác động thế nào đến ông khi làm phim?
- Tôi biết có hàng triệu triệu người yêu mến cuốn sách này. Tôi không nghĩ sẽ đáp ứng được sự chờ đợi của tất cả hàng triệu triệu người đó. Tôi chỉ biết cùng anh chị em trong đoàn phim cố gắng làm hết sức mình với hy vọng lúc xem, người xem có đôi chỗ cảm động và xem xong thì suy nghĩ ít nhiều.
- Hiện tại bộ phim mới này của ông đã hoàn thành đến đâu?
- Đừng đốt, trong đó đã có lửa, bộ phim chuyển thể từ Nhật ký Đặng Thùy Trâm của tôi vừa hoàn thành giai đoạn quay, đang ghép nối các hình ảnh.
- Với “Bao giờ cho đến tháng mười”, diễn viên chính Lê Vân đã giành giải Bông sen vàng cho Diễn viên xuất sắc. Vậy với “Đừng đốt, trong đó đã có lửa”, ông nhận xét thế nào về khả năng diễn xuất của Minh Hương?
- Bằng những gì thể hiện trên hình ảnh của những thước phim đã quay, tôi thấy diễn viên Minh Hương hoàn thành tốt vai diễn của mình như tôi mong đợi. Tuy nhiên cô ấy có được thành công như Lê Vân hay không thì tôi chưa thể nói trước điều gì.
Ngọc Trần thực hiện
Chia sẻ cảm nghĩ về phim "Bao giờ cho đến tháng mười" tại đây.
Ý kiến độc giả: - Ấn tượng sâu sắc với 'Bao giờ cho đến tháng mười' (Nguyễn Văn Tuyển) |