Tại khoản 1 Điều 71 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (Luật HN&GĐ 2014) có quy định: "Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình."
Theo quy định này thì cả cha và mẹ đều có quyền và nghĩa vụ trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, không ai có quyền hạn chế hoặc ngăn cản người còn lại thăm nom con.
Bạn và vợ bạn chưa ly hôn nên về nguyên tắc, bạn và vợ bạn có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên. Mọi hành vi ngăn cản, hạn chế việc cha (mẹ) trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên đều là hành vi trái pháp luật.
Ngay cả trong trường hợp vợ chồng đã ly hôn thì quyền chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên của người không trực tiếp nuôi con cũng được pháp luật bảo vệ. Khoản 3 Điều 71 Luật HN&GĐ 2014 quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn: "Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở".
Khoản 2 Điều 83 Luật HN&GĐ 2014 quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn cũng nêu rõ: "Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con".
Như vậy nếu bạn là cha ruột của bé, không thuộc trường bị Tòa án hạn chế quyền thăm nom con thì bạn hoàn toàn có quyền đến thăm, gặp hoặc đón con của mình. Mẹ cháu bé và Nhà trường không được phép ngăn cản.
Nhà trường có trách nhiệm tuân thủ các quyền hợp pháp của phụ huynh theo quy định pháp luật và không được ngăn cản cha hoặc mẹ thăm nom con nếu không có quyết định cụ thể của Tòa án có thẩm quyền. Nếu nhà trường tiếp tục từ chối, bạn có thể khiếu nại lên các cơ quan chức năng.
Cũng theo điều 71 Luật HN&GĐ 2014 thì cha và mẹ đều có quyền và nghĩa vụ bình đẳng trong việc chăm sóc, giáo dục con. Không có quy định nào cho phép một bên đặt điều kiện hoặc giữ tài sản cá nhân của bên kia để đổi lấy quyền được gặp con.
Việc mẹ cháu bé yêu cầu bạn để lại máy tính, CCCD, thẻ nghiệp vụ như một hình thức "đặt cọc" là không hợp pháp và không có cơ sở pháp lý. Nếu gặp khó khăn trong việc thực hiện quyền thăm nom con, không thể yêu cầu vợ cũ tôn trọng quyền thăm nom con chung của bạn thì bạn có thể đề nghị sự hỗ trợ từ các cơ quan bảo vệ quyền lợi của trẻ em.
Luật sư Phạm Quốc Bảo
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội