Cuộc thi chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 22 bắt đầu lúc 8h30 với sự tranh tài của bốn thí sinh: Đặng Lê Nguyên Vũ (THPT Bắc Duyên Hà, Thái Bình), Vũ Bùi Đình Tùng (THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng), Bùi Anh Đức (THPT chuyên Sơn La, Sơn La) và Vũ Nguyên Sơn (THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội). Bốn nam sinh đã vượt qua 140 đối thủ sau các vòng thi tuần, tháng, quý để góp mặt trong trận đấu cuối cùng.
Đã hơn 10 năm nay, Hà Nội, Hải Phòng chưa có học sinh vô địch Olympia, còn Sơn La và Thái Bình chưa từng có đại diện. Do đó, bốn thí sinh đều đặt quyết tâm lớn ngay từ những phần thi đầu tiên.
Trước khi phần thi Khởi động bắt đầu, bốn thí sinh giới thiệu về ý nghĩa màu sắc của chiếc ruy băng đang đeo trên cổ tay. Đình Tùng đeo màu xanh dương, là màu của biển, giúp em nhớ về thành phố biển Hải Phòng. Xanh dương cũng là màu đặc trưng trên áo đồng phục của trường THPT chuyên Trần Phú. Nguyên Sơn đeo ruy băng đỏ, màu của sự nhiệt huyết.
Nguyên Vũ có chiếc ruy băng vàng trên tay. "Vàng là màu của chiến thắng, của huy chương vàng. Màu sắc này cũng gợi em về màu lúa chín - đặc trưng của quê hương Thái Bình", Vũ nói. Còn với Anh Đức, em đeo ruy băng xanh lá, màu của núi rừng Sơn La. Xanh lá cũng là biểu tượng của sự bất khuất, niềm tin và không bỏ cuộc.
Lượt thi Khởi động đầu tiên có 10 câu hỏi. Nguyên Vũ là thí sinh bấm chuông nhiều lần nhất - bốn lần, trong đó hai câu trả lời đúng, hai câu sai. Đình Tùng cũng năng nổ giành quyền trả lời nhưng với một câu đúng và hai câu sai. Tùng không có điểm do mỗi câu sai bị trừ 5 điểm.
Trong khi Nguyên Vũ, Nguyên Sơn và Anh Đức liên tiếp giành điểm, Đình Tùng dường như gặp tâm lý, trả lời sai tương đối nhiều. Trong lượt thi thứ ba - nhiều thời gian và câu hỏi nhất - Nguyên Vũ bứt phá, liên tiếp đưa câu trả lời đúng.
Sau ba lượt chơi, Anh Đức cho biết ấn tượng với câu hỏi về bảng tuần hoàn Hoá học vì "trúng tủ", Nguyên Vũ thích câu hỏi về Bức thư đoạt giải nhất cuộc thi UPU 2022. Trong khi Nguyên Sơn lại nhớ câu hỏi về Tổng bí thư được đào tạo thành phi công, còn Đình Tùng "thích những câu mình trả lời đúng".
Phần thi Khởi động khép lại với vị trí tạm dẫn đầu thuộc về Nguyên Vũ (75 điểm), kế đó là Nguyên Sơn 50, Anh Đức 40 và Đình Tùng 30.
Bốn nhà leo núi bước sang phần Vượt chướng ngại vật, với nhiệm vụ tìm ra ẩn số gồm 16 chữ cái.
Đình Tùng là thí sinh đầu tiên bước vào phần thi Vượt chướng ngại vật sau phần Khởi động không mấy suôn sẻ. Tùng chọn câu hỏi hàng ngang số 3 với 4 chữ cái, yêu cầu tìm từ còn thiếu trong đoạn thơ: "Non xanh đã biết hay chưa/... đi ra để lại mưa về nguồn (Tản Đà). Em ấn chuông rất nhanh để trả lời nhưng bị MC chương trình ngắt lời.
Không khí trường quay trở nên hồi hộp khi người dẫn chương trình hỏi lại em đã đếm tổng số chữ cái trong câu trả lời chưa. Tùng đáp đã đếm và cho biết dựa vào từ hàng ngang để đưa ra đáp án. Tuy nhiên, đáp án của Tùng chưa chính xác và cơ hội dành cho các thí sinh còn lại. Nguyên Vũ và Anh Đức sau đó giành được điểm 10 đầu tiên từ câu hỏi của Đình Tùng.
Điểm số của các hàng ngang tiếp theo thuộc về Nguyên Vũ, Nguyên Sơn và Anh Đức. Kết thúc phần thi này, Nguyên Vũ tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu với 105 điểm, Nguyên Sơn và Anh Đức cùng xếp thứ hai khi chia sẻ 70 điểm. Đình Tùng có 30 điểm.
Phần Tăng tốc chứng kiến sự bứt phá và thay đổi điểm số đáng kể của các thí sinh, bởi có điểm tối đa lên tới 160. Nguyên Sơn và Nguyên Vũ theo sát nhau khi cùng trả lời đúng hai câu hỏi. Có thêm 30 điểm, Nguyên Vũ kết thúc phần Tăng tốc với 175 điểm, tiếp tục nhiều điểm nhất, theo sau là Nguyên Sơn với 140, Anh Đức 130. Đình Tùng tạm thời vẫn đứng cuối đoàn leo núi với 90 điểm.
Xen kẽ các phần thi của thí sinh là phần giao lưu tại các điểm cầu ở Hà Nội, Thái Bình, Sơn La và Hải Phòng. Phần thi giữa các cổ động viên tại các điểm cầu góp phần tạo nên sức nóng của cuộc thi, tiếp thêm sức mạnh và giúp bốn nhà leo núi bình tĩnh trước khi bước vào phần cuối cùng của hành trình leo núi.
Với 175 điểm, Nguyên Vũ bước vào phần thi Về đích đầu tiên. Đội bóng yêu thích của Vũ là Manchester United. Do đó, các cổ động viên tại Thái Bình cùng bà và em gái của Vũ đã nhảy động tác ăn mừng mỗi khi ghi bàn của Christiano Ronaldo - cầu thủ nổi tiếng đang thi đấu cho Manchester United.
Nguyên Vũ chọn gói ba câu hỏi 20 điểm. Sau khi trả lời đúng ở câu hỏi đầu tiên, nam sinh Thái Bình quyết định chọn ngôi sao hy vọng nhưng không thể đưa ra đáp án. Câu hỏi thứ ba hỏi về di tích tại Cà Mau, năm 1962 đón chuyến tàu đầu tiên của đoàn tàu không số cập bến, khai sinh tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, Nguyên Vũ đưa ra đáp án "đất mũi" nhưng không đúng, Nguyên Sơn giành quyền trả lời nhưng cũng không giành điểm, đồng thời bị trừ 10 điểm.
Cả hai tiếp tục bám sát nhau khi ấn chuông giành quyền trả lời ở phần thi của Anh Đức. Câu hỏi Lịch sử cuối cùng giá trị 30 điểm đã làm khó Anh Đức. Trong những giây cuối cùng, Đức đã hài hước nói: "Câu hỏi này em không biết, em mời ba bạn còn lại". Nguyên Sơn bấm chuông, dõng dạc trả lời và điều này khiến Nguyên Vũ ngồi thụp xuống vì lo lắng. Bởi Sơn đang có 170 điểm, chỉ kém Vũ 5 điểm. Nếu trả lời đúng, Sơn sẽ soán ngôi dẫn đầu của Vũ. Tuy nhiên, Nguyên Sơn trả lời sai và chàng trai Thái Bình vẫn đứng đầu.
Màn rượt đuổi điểm số trở nên kịch tính khi Nguyên Sơn soán ngôi dẫn đầu của Nguyên Vũ. Giành điểm từ câu hỏi tiếng Anh của Đình Tùng, thí sinh thi Về đích cuối cùng, Nguyên Sơn có 30 điểm, tổng 185 và vươn lên dẫn đầu.
Ở câu hỏi cuối cùng trong gói Về đích của Đình Tùng thuộc lĩnh vực Toán học, em không thể đưa ra câu trả lời đúng nên Nguyên Vũ đã bấm chuông giành quyền trả lời. Nếu trả lời đúng, Nguyên Vũ giành chiến thắng. Nếu sai, người giành vòng nguyệt quế là Nguyên Sơn.
Cả trường quay chìm trong yên lặng. Đến khi người dẫn chương trình công bố "Nguyên Vũ vô địch", các khán giả tại trường quay vỡ oà. Nguyên Vũ giành thêm 30 điểm, tổng 205. Đặng Lê Nguyên Vũ, học sinh trường THPT Bắc Duyên Hà, Thái Bình, trở thành nhà vô địch Olympia năm thứ 22. Nguyên Sơn về đích ở vị trí thứ hai với 185 điểm, theo sau là Anh Đức 75 và Đình Tùng 35.
Quán quân Olympia Nguyên Vũ: 'Sẽ không ngủ quên trên chiến thắng'
Xem diễn biến chính