Từ sớm, trong trang phục khăn đóng áo dài, đại diện Hội đồng Nguyễn Phúc Tộc cùng Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã tới quần thể di tích lăng Thiên Thọ, nơi vua Gia Long yên nghỉ, để dâng lễ, thắp hương tưởng niệm. Buổi lễ diễn ra theo đúng nghi thức của triều Nguyễn xưa với hương án, đội lễ nhạc.
Sau lễ dâng hương tại lăng mộ, Hội đồng Nguyễn Phúc Tộc cùng Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức lễ hiệp kỵ (lễ giỗ chung) vua Gia Long và Hàm Nghi tại Thế Tổ miếu.
Lễ hiệp kỵ nhằm tưởng niệm 203 năm ngày vua Gia Long và 79 năm ngày vua Hàm Nghi băng hà. Hai vua cùng mất ngày 19/12 âm lịch. Đây là lần đầu tiên lễ hiệp kỵ hai vua được tổ chức tại Thế Tổ miếu, nơi thờ các vua triều Nguyễn.
Một năm trước, lễ giỗ vua Gia Long lần đầu được tổ chức tại quần thể lăng Thiên Thọ với sự tham gia của các trưởng làng có công xây dựng kinh thành Huế xưa như làng Kim Long, An Cựu, Phú Xuân, Xuân Hòa... Các năm trước, lễ diễn ra tại Thế Tổ Miếu (Đại nội Huế). Riêng lễ giỗ vua Hàm Nghi thường được tổ chức tại phủ Kiên Thái Vương trên đường Phan Đình Phùng.
Vua Gia Long (8/2/1762-3/2/1820) tên húy là Nguyễn Phúc Ánh, là vua sáng lập triều Nguyễn. Ông trị vì từ năm 1802 đến khi qua đời năm 1820.
Vua Hàm Nghi (3/8/1871-14/1/1944), tên húy là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, là vua thứ tám của triều Nguyễn. Sau khi kinh đô Huế thất thủ năm 1885, vua Hàm Nghi đã ban chiếu Cần Vương chống thực dân Pháp. Năm 1888, vua Hàm Nghi bị bắt, sau đó bị lưu đày ở Algérie.
Võ Thạnh