Ca sĩ tự giới thiệu, kết nối một số phần trong liveshow Tổ quốc gọi tên mình, tối 26/8 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô Hà Nội. Vì hồi hộp, anh thỉnh thoảng giới thiệu sai tên các nghệ sĩ biểu diễn cùng, khiến khán giả bật cười.
Nghệ sĩ hỏi khán giả cảm nhận về đêm diễn, nhận hàng loạt tràng vỗ tay cổ vũ. Anh nói: "Tôi muốn hát nhạc đỏ, nhạc cách mạng gần gũi hơn, muốn các ca khúc đi cùng năm tháng được nhiều thế hệ biết đến. Cảm ơn nhạc sĩ Dương Cầm đã khoác áo mới cho hơn 30 bài hát đêm nay".
Trong ba tiếng, Đăng Dương thể hiện nỗ lực làm mới loạt ca khúc quê hương, cách mạng nhưng vẫn giữ được hồn cốt của dòng nhạc này. Những kỹ thuật thính phòng được trưng trổ vừa đủ, tạo cảm giác dễ chịu cho người nghe. So với liveshow cách đây 5 năm, lối hát của nghệ sĩ thiên về tự sự, dạt dào tình cảm hơn. Sau mỗi tiết mục, ca sĩ đều nhận được những tràng cổ vũ nồng nhiệt.
Chương trình diễn ra nhanh, xen kẽ các tác phẩm âm hưởng hào hùng và ca khúc trữ tình. Khi Đăng Dương hát Anh vẫn hành quân (Huy Du), Hành khúc ngày và đêm (Phan Huynh Điểu), khán giả đồng loạt vỗ tay, hát theo nghệ sĩ.
Không mời Trọng Tấn, Việt Hoàn để tái hiện hình ảnh tam ca nhạc đỏ đã ghi dấu ấn trong lòng khán giả, Đăng Dương kết hợp với Đào Tố Loan, Võ Hạ Trâm, Oplus. Đăng Dương đùa "cảm thấy như trẻ ra 5 tuổi" khi hát chung các đàn em.
Oplus mang lại cho khán giả sự bất ngờ khi hát cùng Đăng Dương mash-up Tình đồng chí (Minh Quốc), Cây đàn ghita của đại đội 3 (Xuân Hồng). Họ còn biểu diễn mash-up Hành khúc ngày và đêm (Phan Huỳnh Điểu) và Bác đang cùng chúng cháu hành quân (Huy Thục) do Duy Anh (19 tuổi) phối nhạc. Oplus bè hòa quyện, nâng đỡ giọng hát Đăng Dương, tạo cảm giác tươi mới. Kết thúc hai tiết mục, nhiều khán giả liên tục hô "Hay quá". Một số phần kết hợp với accordion Đào Kiên hay guitarist Sang Trịnh cũng tạo thêm nét mới lạ.
Đăng Dương cũng gợi nhớ một số dấu mốc sự nghiệp trong liveshow. Khi hát chùm ca khúc về Hà Nội, anh gọi mảnh đất thủ đô là "quê hương thứ hai" đã gắn bó gần 40 năm. 13 tuổi, anh rời Hải Dương, đến Nhạc viện Hà Nội học. Vì chưa đủ tuổi học thanh nhạc, nghệ sĩ học đàn bầu. Anh diễn tấu đàn bầu Dáng đứng Bến Tre (Nguyễn Văn Tý) cùng dàn nhạc giao hưởng. Chất liệu dân gian kết hợp yếu tố âm nhạc hiện đại, mang đến cảm giác vừa quen vừa lạ cho người nghe.
Concert được đầu tư chỉnh chu với dàn nhạc giao hưởng do Đồng Quang Vinh chỉ huy. Sân khấu được thiết kế tối giản, với màn LED hình cầu, chiếu nhiều hình ảnh đẹp, phù hợp các ca khúc trong chương trình. Bà Lê Thị Bình (70 tuổi) nhận xét liveshow dễ nghe, Đăng Dương "càng hát càng hay" ở phần cuối chương trình.
Đăng Dương, 49 tuổi, theo học đàn bầu ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam từ khi 13 tuổi. 18 tuổi, anh chuyển sang học thanh nhạc, là học trò nghệ sĩ Quang Thọ, Trung Kiên. Anh đoạt giải nhất Giọng hát hay Hà Nội năm 1995.
Năm 1998, anh cùng Trọng Tấn, Việt Hoàn ra mắt khán giả với bài Đường chúng ta đi (Huy Du) tại Liên hoan Tiếng hát sinh viên 1998, nhanh chóng tạo ấn tượng trong lòng người yêu nhạc. Trong khi nhiều đồng nghiệp hát thêm nhạc dân ca, nhạc nhẹ, nhạc xưa, Đăng Dương trung thành với nhạc cổ điển, cách mạng.
Hà Thu