Nghệ sĩ tâm sự về cuộc sống, công việc dịp thực hiện live concert 30 năm ca hát - Tổ quốc gọi tên mình, diễn ra ngày 26/8 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội).
- Trên chặng đường ba thập niên ca hát, anh nhớ kỷ niệm nào?
- Tôi may mắn vì được nghề "chọn". Lớn lên ở vùng quê tỉnh Hải Dương, tôi yêu âm nhạc nhưng không có điều kiện học hành bài bản. 10 tuổi, tôi thuộc làu và nghêu ngao nhiều bài người lớn. Một lần, bạn anh cả của tôi làm trong ngành văn hóa, đến nhà chơi, thấy tôi có năng khiếu nên khuyên bố mẹ cho đi học nhạc. 12 tuổi, tôi vào khoa đàn bầu tại Nhạc viện Hà Nội, học cô Thanh Tâm. Ngày tôi khăn gói lên Hà Nội, mẹ khóc sướt mướt thương con trai.
Lúc nhập học, sống trong ký túc xá, tôi thấy cái gì cũng lạ lẫm, choáng ngợp. Bữa cơm căng tin những năm 1980 rất thiếu thốn, toàn gạo hẩm, rau dại. Nước uống là nước ở bể công cộng, nhiều lúc chẳng có ấm mà đun. Tôi nhớ nhiều lần mình đói đến hoa mắt, đứng lên là xây xẩm mặt mày.
Năm 17 tuổi, bố thấy ngành đàn bầu tôi học khó phát triển, không dễ sống được với nghề, viết thư khuyên tôi trở về nhà, tập trung học văn hóa. Tôi xin bố cho học thêm một thời gian để thi sang thanh nhạc. Nếu trượt, tôi sẽ về ôn thi đại học một trường khác. 18 tuổi, tôi đỗ và được học hát cùng thầy Quang Thọ, sau đó là thầy Trung Kiên.
- Vợ anh - ca sĩ Kim Xuyến - nói nhiều lần chạnh lòng khi thấy các nghệ sĩ nhạc nhẹ được săn đón còn chồng thì không. Anh nghĩ sao?
- Bà xã tôi là phụ nữ, lại khá nhạy cảm. Còn tôi từ lúc học đã xác định con đường mình đi. Ở nước ngoài cũng vậy, các ca sĩ nhạc đỏ, thính phòng không thể có lượng khán giả "khủng" như ca sĩ nhạc pop. Họ kiếm tiền cũng không dễ dàng, khó làm giàu.
Thời sinh viên, các bạn hát nhạc nhẹ đi biểu diễn phòng trà rất nhiều, tiền nong rủng rỉnh. Tôi ở cạnh phòng Tấn Minh, hồi đó rất nổi tiếng với bài Phượng hồng. Cậu ấy có tiền mua cam uống, mua thịt nấu cơm. Nhiều lúc tôi cũng thèm lắm nhưng kệ thôi (Cười).
Tôi nhớ hồi còn học đàn bầu, một năm nghỉ hè về quê, tôi nổi hứng hát bài Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm (Trần Hoàn). Chị gái khi ấy đang làm việc ở Nga, về nước chơi vài hôm, nghe và xúc động, khóc không ngừng. Tôi yêu dòng nhạc quê hương, gắn bó 30 năm nhờ những khán giả như vậy. Hơn nữa, nhờ các ca khúc cách mạng, tôi từng được vinh dự hát ở những sân khấu đặc biệt như nghĩa trang Trường Sơn, đảo Trường Sa.
- Anh từng trải qua khó khăn gì trong nghề nghiệp và cuộc sống?
- Tôi lớn lên ở thời kỳ cả đất nước đều vất vả. Thời sinh viên, sau khi đoạt giải nhất Giọng hát hay Hà Nội 1995, tôi lọc cọc đạp xe đi hát, cát-xê 30.000 - 40.000 đồng. "Sô chậu" của ca sĩ nhạc đỏ không nhiều, cuộc sống khá chật vật.
Những năm 2000, bạn bè đồng trang lứa nhiều người có cuộc sống ổn định, tôi vẫn chỉ có một chiếc xe máy cọc cạch. Thời yêu nhau, tôi và vợ mơ ước mua được nhà ở bán đảo Linh Đàm (Hà Nội), nhưng cảm thấy thật xa xôi.
Khi kết hôn năm 2002, giá nhà khi ấy là hơn 300 triệu đồng, tôi có 100 triệu đồng, còn lại là đi vay. Hồi ấy, vay ai được vài chục triệu đồng là một vấn đề lớn. Mua nhà xong, chúng tôi chẳng còn tiền, phải tìm mua những đồ nội thất rẻ nhất như bàn, ghế mây, để căn nhà đỡ trống trải. Hai vợ chồng đi sắm rèm cửa ở Khâm Thiên, thiếu 500.000 đồng. Cô bán hàng nhận ra tôi, bảo cứ lấy cái tốt mà dùng rồi cho nợ. Tôi nghĩ mình làm nghệ thuật tử tế, đàng hoàng nên khán giả tin tưởng, quý trọng.
- Vợ anh ảnh hưởng thế nào đến sự nghiệp của chồng?
- Bà xã tôi từng thuộc Đoàn Nghệ thuật Quân đội, sau khi kết hôn thì nghỉ để làm quản lý cho chồng. Chung sống 22 năm, vợ chưa bao giờ đặt nặng chuyện kinh tế, để tôi thỏa sức vẫy vùng làm những gì mình thích. Vợ cũng góp ý nhiều cho tôi trong cách hát. Trước kia, tôi học nhiều bài thính phòng kinh điển của thế giới, khi chuyển sang hát tiếng Việt bị gồng, không rõ lời. Nhờ những lời khuyên của vợ, tôi thấy mình biểu diễn mềm mại, sâu lắng hơn.
Với gia đình, vợ quán xuyến từ chuyện bếp núc, nhà cửa cho đến việc học hành của các con. Chúng tôi có hai con trai, cháu lớn đã học đại học ở Australia, cháu út học cấp hai. Các con ảnh hưởng sở thích từ bố, thích nghe nhạc giao hưởng nhưng không có ý định theo nghệ thuật.
- Anh kỳ vọng gì ở đêm nhạc đánh dấu ba thập niên ca hát của mình?
- Tôi muốn lan tỏa tình yêu nhạc đỏ, nhạc thính phòng tới khán giả, một số đàn em. Vì thế, tôi kết hợp với một số giọng ca trẻ như Đào Tố Loan, Võ Hạ Trâm, nhóm Oplus. Tôi mới Dương Cầm, nhạc sĩ đa tài, biết nắm bắt nhiều xu hướng mới, mong muốn đến gần hơn với người nghe. Tôi và Dương Cầm đang chuẩn bị phối một số bản mash-up nhạc đỏ. Việc mash-up rất phổ biến với nhạc nhẹ nhưng nhạc đỏ thì hiếm, hy vọng sẽ mang tới cảm xúc mới mẻ cho khán giả.
Nhiều người khuyên tôi thử hát một số dòng nhạc khác. Ở nhà thời dịch, tôi từng hát một số ca khúc nhạc xưa của Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, được vợ khen hay. Nhưng tôi nghĩ mình cần tập luyện thêm rất nhiều mới dám biểu diễn những bài này trước khán giả.
Đăng Dương, 49 tuổi, theo học đàn bầu ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam từ khi 13 tuổi. 18 tuổi, anh chuyển sang học thanh nhạc, theo học nghệ sĩ Quang Thọ, Trung Kiên. Anh đoạt giải nhất Giọng hát hay Hà Nội năm 1995. Năm 1998, anh cùng Trọng Tấn, Việt Hoàn ra mắt khán giả với bài Đường chúng ta đi (Huy Du) tại Liên hoan Tiếng hát sinh viên 1998, nhanh chóng tạo ấn tượng trong lòng người yêu nhạc. Trong khi nhiều đồng nghiệp hát thêm nhiều phong cách khác như dân ca, nhạc nhẹ, nhạc xưa, Đăng Dương vẫn trung thành với nhạc cổ điển, cách mạng.
Hà Thu