Đảng Dân chủ tuyên bố rút toàn bộ 153 nghị sĩ của mình khỏi quốc hội 500 ghế của Thái Lan. Quyết định này không thể ngăn cản đảng Pheu Thai của bà Yingluck thông qua các điều luật mới, nhưng làm lung lay tính hợp pháp của quốc hội.
"Chúng tôi đã làm hết trách nhiệm của mình tại quốc hội. Nhưng chúng tôi không thể làm thêm được nữa, bởi đảng cầm quyền đã phản bội lại tiếng nói của người dân", AFP dẫn lời cựu thủ tướng Abhisit Vejjajiva, lãnh đạo đảng Dân chủ.
Động thái này được đưa ra sau khi Thủ tướng Yingluck một lần nữa đề xuất bầu cử sớm nếu như những người biểu tình đồng ý tôn trọng tiến trình dân chủ. "Chính phủ sẵn sàng giải tán quốc hội, nếu như số đông muốn vậy. Nếu như người biểu tình hoặc đảng phái chính không chấp nhận điều này hoặc không chấp nhận kết quả bầu cử, điều đó sẽ chỉ làm kéo dài hơn nữa xung đột", bà Yingluck cho hay.
Trong khi đó lãnh đạo cuộc biểu tình vẫn kiên quyết lập trường không chấp nhận một cuộc bầu cử mới. Ông Suthep Thaugsuban, thủ lĩnh cuộc biểu tình, từng là một trong những lãnh đạo cao nhất của đảng Dân chủ, yêu cầu quốc gia này từ bỏ cơ chế bầu cử dân chủ, thay vào đó là thành lập một "Hội đồng Nhân dân" với các thành viên được lựa chọn kỹ càng.
Ông này hôm 6/12 kêu gọi người biểu tình Thái Lan tập trung xuống đường vào ngày 9/12 như "ngày quyết định" cho cuộc xung đột chính trị lần này.
"Nếu mọi người không đến, tôi sẽ đầu hàng để đi tù. Tôi sẽ không chiến đấu nữa", AFP dẫn lời ông Shuthep nói trong một bài phát biểu đến những người ủng hộ. "Sống hay chết, thắng hay bại, chúng ta sẽ biết vào ngày thứ hai, 9/12".
Lực lượng biểu tình chống chính phủ đã giảm mạnh kể từ ngày đầu tiên 24/11, với ước tính 180.000 người. Căng thẳng tại Thái Lan chỉ tạm lắng hôm 4/12, khi hai bên nhất trí ngừng xung đột để chào mừng sinh nhật lần thứ 86 của Quốc vương Bhumibol Adulyadej.
Đây là làn sóng biểu tình lớn nhất ở vương quốc trong ba năm qua nhằm lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra và ngăn chặn ảnh hưởng chính trị từ anh trai của bà, cựu thủ tướng bị lật đổ năm 2006, Thaksin.
Đức Dương