Đảng đối lập lớn nhất Thái Lan Pheu Thai, do cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra thành lập, sáng nay tổ chức họp báo tại Bangkok, tuyên bố thành lập liên minh cùng các đảng Hướng tới Tương lai, đảng Pheu Chart, đảng Prachachart, đảng Seri Ruam Thai và đảng Quyền lực Nhân dân Thái Lan để phản đối chính quyền đương nhiệm.
Pheu Thai cho biết đại diện của đảng thứ 7 là đảng Kinh tế mới không thể tới cuộc họp báo nhưng đã cam kết sẽ tham gia liên minh.
Lãnh đạo Pheu Thai và ứng viên thủ tướng Sudarat Keyuraphan cho biết họ cũng đang đàm phán với các bên khác. "Người dân đã giao cho chúng tôi nhiệm vụ ngăn chặn chính quyền này tiếp tục nắm quyền lực. Chúng tôi sẽ làm điều này theo cách tuân thủ đạo đức", bà Sudarat nói.
Cựu cảnh sát trưởng Seripisut Temiyavet, lãnh đạo đảng Seri Ruam Thai công khai yêu cầu Thủ tướng Prayut Chan-o-cha từ chức. "Tôi yêu cầu ông Prayut từ chức và không gia hạn quyền lực", ông Seripisut nói.
Thái Lan hôm 24/3 tổ chức tổng tuyển cử lần đầu tiên sau cuộc đảo chính năm 2013. Kết quả bầu cử chính thức sẽ được công bố ngày 9/5, song với việc tập hợp này, liên minh do Pheu Thai dẫn đầu khẳng định sẽ giành được ít nhất 255 ghế trong số 500 ghế tại Hạ viện.
Đảng Palang Pracharath, đảng thân quân đội và đề cử thủ tướng Prayut, giành được 7,6 triệu phiếu phổ thông, chiếm tỷ lệ lớn nhất trong 94% phiếu đã được kiểm, và hơn Pheu Thai 400.000 phiếu.
Thái Lan được lãnh đạo bởi chính quyền quân sự sau khi quân đội lật đổ thủ tướng Yingluck Shinawatra, em gái ông Thaksin. Hiến pháp do quân đội soạn thảo năm 2017 quy định người đắc cử thủ tướng cần đạt đa số phiếu trong tổng số phiếu bầu tại Thượng viện và Hạ viện.
Hiến pháp này cũng quy định 250 ghế tại Thượng viện đều do quân đội chỉ định, tạo lợi thế cho ông Prayut giữ vững quyền lực. Do đó, đảng Palang Pracharath về mặt lý thuyết chỉ cần giành 126 ghế Hạ viện để có 376 phiếu, đủ cho ông Prayut đắc cử.
Nếu ông Prayut đắc cử và Pheu Thai duy trì liên minh sau khi kết quả bầu cử chính thức được công bố, Thái Lan sẽ có một chính phủ thiểu số bấp bênh. Lãnh đạo đảng Hướng tới Tương lai Thanathorn Juangroongruangkit cảnh báo điều này sẽ khiến "đất nước hỗn loạn và xã hội đi vào ngõ cụt".
Giới chuyên gia dự đoán sau nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần dàn xếp lộn xộn, cả hai đảng Pheu Thai và Phalang Pracharat sẽ tuyên bố chiến thắng và khẳng định đủ quyền thành lập chính phủ.
Ủy ban Bầu cử Thái Lan ban đầu dự kiến công bố kết quả kiểm phiếu sơ bộ vào tối 24/3 nhưng sau nhiều lần trì hoãn, đến nay ủy ban mới công bố kết quả 350 ghế tại Hạ viện, trong đó Pheu Thai đã giành được 137 ghế và Palang Pracharath giành 97 ghế. Tiếp đó là đảng Bhumjaithai với 39 và đảng Dân chủ với 33 ghế. Hai đảng này đều là đối tác liên minh của Palang Pracharath.
Pheu Thai được thành lập vào năm 2008. Tháng 5/2011, Pheu Thai đề cử bà Yingluck là ứng viên tranh cử thủ tướng. Bà Yingluck giành được 260 ghế trên tổng số 500 ghế tại quốc hội, trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan. Hiện ông Thaksin thường xuyên cùng em gái tới Hong Kong để gặp các chính trị gia của đảng Pheu Thai.
Huyền Lê (theo Straits Times, AFP)