Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) theo đường lối cực hữu của Pháp năm 2014 vay 9,4 triệu euro (10 triệu USD) từ ngân hàng First Czech - Russian (FCBR) để tài trợ cho các hoạt động chính trị và chiến dịch tranh cử, sau khi cáo buộc các ngân hàng Pháp từ chối gia hạn tín dụng cho họ.
Khi FCBR phá sản năm 2016, khoản vay đã được chuyển cho Aviazapchast, công ty linh kiện máy bay thuộc sở hữu của các cựu quân nhân Nga có trụ sở tại Moskva.
Khoản vay này đã khiến RN hứng chịu nhiều chỉ trích từ các đối thủ chính trị. Trong cuộc tranh luận bầu cử năm ngoái, Tổng thống Emmanuel Macron cáo buộc ứng viên Marine Le Pen của RN "phụ thuộc Nga" và Tổng thống Vladimir Putin. Ông Macron cho rằng đối thủ "không thể bảo vệ lợi ích của Pháp vì lợi ích của bà gắn liền những người thân cận với người có quyền lực ở Nga".
RN hôm 19/9 ra tuyên bố cho biết đã trả nốt 6,1 triệu USD còn nợ công ty Aviazapchast của Nga nhằm chấm dứt những công kích nhắm vào họ.
"Khoản vay bị các đối thủ của tôi sử dụng như lý lẽ để công kích. Tôi cho rằng điều đó không công bằng và tôi không định để đối thủ có bất kỳ cái cớ nào", chủ tịch RN Jordan Bardella cho hay.
Việc giành được 88 ghế trong cuộc bầu cử quốc hội gần đây đã giúp RN tiếp cận thêm hàng triệu USD từ nguồn tài trợ công, cho phép họ trả khoản nợ cho công ty Nga trước thời hạn năm 2028. Kết quả bầu cử đó cũng đưa RN trở thành đảng đối lập lớn nhất trong quốc hội.

Lãnh đạo đảng cực hữu RN Marine Le Pen trả lời phỏng vấn trên truyền hình hôm 18/9. Ảnh: AFP
Thông báo về việc trả nợ được đưa ra một ngày sau khi Le Pen cho biết bà là "ứng viên mặc định" của đảng để tái tranh cử tổng thống năm 2027, khi ông Macron hết nhiệm kỳ hai và không thể tiếp tục chạy đua.
Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2020 đã liệt công ty Aviazapchast vào danh sách trừng phạt vì vi phạm luật ngăn bán vũ khí cho Iran, Triều Tiên và Syria. Tuy nhiên, công ty chưa bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ hay EU liên quan cuộc chiến ở Ukraine.
Năm ngoái, RN mở một cuộc điều tra tại quốc hội về hành vi can thiệp của nước ngoài vào chính trị Pháp, nhằm "tự minh oan" trước những cáo buộc cho rằng đảng hành động vì lợi ích của Nga.
Báo cáo của ủy ban điều tra kết luận RN đã "tiếp sức" cho Nga, đặc biệt là trong thông điệp sau khi sáp nhập Crimea năm 2014. Bà Le Pen từng tuyên bố ủng hộ Nga sáp nhập bán đảo và tới Moskva gặp Tổng thống Vladimir Putin chỉ vài tháng trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2017.
RN cũng phản đối viện trợ của Pháp cho Ukraine từ khi chiến sự bùng phát năm ngoái và không bỏ phiếu ủng hộ khi quốc hội Pháp phê chuẩn đề nghị gia nhập NATO của Phần Lan, Thụy Điển.
Năm 2011, bà Le Pen tiếp quản RN từ cha, người gây chú ý với những lời lẽ kích động và đôi khi có tính phân biệt chủng tộc. Các ngân hàng Pháp từ lâu đã tránh cho RN vay tiền.
Để tài trợ cho cuộc tranh cử tổng thống năm 2022, Le Pen đã vay 10,7 triệu euro (gần 11,4 triệu USD) từ ngân hàng Hungary có quan hệ với Thủ tướng Viktor Orban. Số tiền này đã được trả sau khi Le Pen được hoàn lại chi phí bầu cử theo quy định của Pháp.
Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy Le Pen là chính trị gia được yêu thích thứ hai ở Pháp, sau cựu thủ tướng Edouard Philippe.
Huyền Lê (Theo AFP, Financial Times)