Trong cả hai trận đầu vòng bảng, điều chỉnh đầu tiên của HLV Park Hang-seo luôn là với một cầu thủ ở hàng phòng ngự. Trước UAE, ông thay Huỳnh Tấn Sinh ở phút 54. Ở trận gặp Jordan, thay đổi đến còn sớm hơn, khi Đỗ Thanh Thịnh rời sân từ phút 36. Hai lần thay người ở hai thời điểm khác nhau trong trận, liên quan tới những vị trí khác nhau - Tấn Sinh đá trung vệ lệch phải, Thanh Thịnh đá wingback trái, nhưng người vào sân luôn chỉ có một. Đó là Trần Đình Trọng.
Nhưng trước khi bàn về khả năng của Đình Trọng, hãy nói về vấn đề của các hậu vệ đá chính, trước hết là các trung vệ. Qua hai trận đấu, Thành Chung là người duy nhất đá trọn vẹn cả hai trận ở vị trí trung vệ. Việt Anh ở trận đầu, gặp UAE, chơi như một wingback phải, nhưng tới trận gặp Jordan, anh lại đá trung vệ lệch thay Tấn Sinh. Lê Ngọc Bảo đá trung vệ lệch trái cả trận gặp UAE và đầu trận gặp Jordan, nhưng sau khi Đình Trọng vào sân lại được đẩy ra cánh chơi ở vị trí wingback trái. Ngay cả Thành Chung cũng không có một vị trí ổn định. Khi Đình Trọng vào sân, anh lập tức chuyển từ vị trí trung vệ giữa sang trung vệ lệch trái.
Sự loay hoay đó cho thấy HLV Park Hang-seo đang chưa tìm ra một bộ khung ưng ý cho hàng thủ năm người. Đây là điều hoàn toàn trái ngược với các giải đấu trước đó. Ở U23 châu Á cách đây hai năm, người hâm mộ nhắm mắt cũng đọc vanh vách bộ ngũ hậu vệ tốt nhất của Việt Nam: Đình Trọng ở giữa, Duy Mạnh lệch trái, Tiến Dũng lệch phải, còn hai wingback là Văn Hậu (trái) và Văn Thanh (phải). Tùy tình hình có thể có những thay đổi ở vị trí wingback, nhưng cả hai cầu thủ dự phòng ở vị trí này là Xuân Mạnh và Hồng Duy cũng đều thể hiện rất ổn.
Trong các hậu vệ đá chính của Việt Nam ở giải U23 châu Á 2020, chỉ có Thành Chung là phần nào hiểu được cách chơi của một trung vệ trong sơ đồ 5-3-2 mà ông Park đang áp dụng. Trước hết là về phòng ngự. Trong sơ đồ 5-3-2, các trung vệ, nhất là các trung vệ lệch, sẽ thường xuyên phải rời khỏi vị trí để bọc lót cho các tiền vệ trung tâm, do hàng tiền vệ ba người không thể kiểm soát được toàn bộ bề ngang sân, sẽ dẫn đến để lộ những khe hở mà đối phương có thể khai thác bằng những đường chuyền xuyên tuyến.
Nhưng chọn được thời điểm rời vị trí và gây sức ép với cầu thủ đối phương là việc không hề dễ dàng. Nó đòi hỏi các cầu thủ phải có khả năng đọc diễn biến tốt, luôn trong một tâm thế sẵn sàng, và có đủ sức mạnh thể chất để có thể gây sức ép với cầu thủ đối phương một cách hiệu quả. Trong trận đấu với Jordan, các trung vệ của chúng ta thường xuyên thất bại trong nhiệm vụ này. Hoặc là họ không dâng lên, để cầu thủ đối phương thoải mái nhận bóng ở khoảng trống trước mặt vòng cấm. Hoặc tệ hơn, họ dâng lên quá chậm, để rồi vừa không gây được sức ép cho đối phương, vừa để lộ ra khoảng trống ở sau lưng.
Trên đây là một tình huống điển hình cho sự thiếu hiệu quả của hệ thống phòng ngự của Việt Nam. Khi wingback trái của Jordan - đội cũng đá với sơ đồ ba trung vệ trận này - có bóng, Tấn Tài lưỡng lự không áp sát, trong khi cả ba tiền vệ của chúng ta đều đã ở trung lộ. Cầu thủ có bóng của Jordan do đó có đủ thời gian quan sát, trong khi ở phía trên các đồng đội của anh ta cũng có đủ thời gian để di chuyển. Và khi bóng được chuyền xuyên qua tuyến giữa của Việt Nam, cả hai trung vệ của chúng ta đều phản ứng một cách thụ động, và dễ dàng bị đối phương vượt qua.
Jordan liên tục sử dụng bài tấn công tương tự và tạo ra không ít cơ hội ăn bàn. Các wingback hoặc trung vệ lệch của họ thường xuyên có những đường chuyền xuyên tuyến, tấn công vào khu vực hành lang trong (khu vực giữa trung lộ và đường biên). Các cầu thủ tấn công của họ sẽ không nhận bóng ở vị trí ngang hàng với các hậu vệ của Việt Nam, mà thường giật lại, để đặt các hậu vệ của chúng ta vào thế khó. Chỉ cần hậu vệ có trách nhiệm gây sức ép có một giây lưỡng lự, hoặc gây sức ép không hiệu quả, hệ thống phòng ngự của Việt Nam sẽ lập tức bị xộ lệch, và những khoảng trống sẽ xuất hiện.
Đây là vấn đề mà chúng ta ít khi gặp phải với những bộ tam vệ đã quen mặt, là Duy Mạnh, Đình Trọng, Tiến Dũng ở giải U23 châu Á 2018, hay là Duy Mạnh, Ngọc Hải, Tiến Dũng (Đình Trọng) trong màu áo ĐTQG. Những cầu thủ này đều hiểu rất rõ nhiệm vụ, cũng như vai trò của họ trong lối chơi chung, nên có nhiều tình huống sẵn sàng lên tới quá vạch giữa sân để phòng ngự. Chính Đình Trọng trong trận đấu với Jordan hôm 13/1 cũng đã không ít lần làm được điều đó, mà tình huống dưới đây, diễn ra ngay sau khi anh vào sân, là điển hình.
Ở tình huống này, cầu thủ của Hà Nội đã sang tận phần sân của Jordan để tranh cướp bóng với tiền đạo của đối phương. Nếu anh đoạt được bóng, Việt Nam có cơ hội tổ chức một pha lên bóng nguy hiểm, bởi chúng ta đang chiếm được ưu thế ở trung tuyến. Còn không, Đình Trọng cũng sẽ cố gắng phạm lỗi để ngăn chặn đường bóng của đối phương - phạm lỗi ở khu vực này và theo cách của Trọng rất ít khi bị thẻ. Ngược lại, nếu Trọng không dâng lên, tiền đạo của Jordan có cơ hội nhận bóng sau lưng hàng tiền vệ của chúng ta. Và Jordan có thể tạo ra một tình huống ba đánh ba ngay trước vòng cấm Việt Nam.
Sự có mặt của Đình Trọng không chỉ giúp Việt Nam phòng ngự ổn định hơn, mà còn tổ chức lên bóng mượt mà hơn. Trong hệ thống ba trung vệ của ông Park, các trung vệ, nhất là những trung vệ lệch, có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai bóng từ sân nhà. Ở vị trí của mỗi người, họ có nhiều lựa chọn chuyền bóng lên phía trên: hoặc đưa ra cánh cho wingback, chuyền vào giữa cho các tiền vệ trung tâm, hoặc chuyền xuyên tuyến lên cho các tiền đạo. Ông Park, trong một buổi họp chiến thuật được tường thuật lại trên truyền hình, cũng đã nhấn mạnh rằng "triển khai bóng là việc của các trung vệ".
Tuy nhiên, các trung vệ đá chính của Việt Nam trong hai trận đầu tiên hầu như không hoàn thành nhiệm vụ này. Họ rất ít khi tung ra những đường chuyền xuyên tuyến hiệu quả. Họ cũng hầu như không dám cầm bóng dâng lên để giúp Việt Nam tạo được lợi thế về quân số ở tuyến giữa, một trong những nhiệm vụ quan trọng của các trung vệ lệch. Điều mà họ thường làm nhất là chuyền bóng qua lại cho nhau. Trước UAE, Thành Chung chuyền bóng cho Ngọc Bảo chín lần là "bài" phối hợp thường xuyên nhất. Trước Jordan, ba trong những phương án chuyền bóng lặp lại nhiều nhất là giữa các trung vệ: Thành Chung cho Ngọc Bảo (16 lần), Thành Chung cho Bùi Hoàng Việt Anh (11), và Ngọc Bảo cho Thành Chung (10).
Tất nhiên, việc các trung vệ chuyền bóng qua lại cho nhau nhiều là không xấu. Nhưng chỉ khi đó là những đường chuyền có ý đồ, mà ý đồ ở đây là lôi kéo các tiền đạo của đối phương dâng cao rồi đánh bại nỗ lực pressing của họ. Đấy là điều mà những Thành Chung, Ngọc Bảo, Việt Anh không làm được. Thường khi hơi có chút sức ép, họ sẽ tung ngay những đường chuyền dài, đôi khi là không cho ai cả, mà có tới được đích thì cũng làm khó cho người nhận bóng. Đôi khi, họ chuyền luôn cho các wingback hay các tiền vệ, lúc những người này chưa có được tư thế và vị trí thuận lợi, nghĩa là "chuyền khó khăn" sang cho đồng đội.
Vì các trung vệ không "dám" triển khai bóng, các tiền vệ thường xuyên phải lùi về sâu để nhận bóng. Tình huống dưới đây là một điển hình. Ba tiền vệ của Việt Nam là Thanh Sơn, Quang Hải, Hoàng Đức đều đã lùi xuống để chờ triển khai bóng. Nghĩa là chúng ta cần tới sáu người để có thể vượt qua tuyến phòng ngự đầu tiên gồm chỉ hai người của đối thủ. Đó là một sự phí phạm. Và rõ ràng, khi cả hai đội đều chỉ có 11 người như nhau, thì việc Việt Nam tập trung đông quân số ở gần khung thành của đội cũng có nghĩa là đội bị thiếu hụt quân số ở gần khung thành của đối thủ.
Việc các trung vệ không dám triển khai bóng còn dẫn tới một hệ lụy nữa là các đồng đội ở những tuyến khác không có đất để chơi. Nếu họ mạnh dạn giữ bóng, chuyền bóng lôi kéo, họ có thể hút được các tiền đạo và tiền vệ của đối phương lên cao. Nếu hàng thủ của đối phương không dâng theo, các tiền vệ sẽ có đủ khoảng trống để khai thác. Nếu hàng thủ của đối phương dâng cao, chúng ta có thể tấn công vào khoảng trống sau lưng họ bằng những đường chuyền vượt tuyến, cũng từ các trung vệ.
Vì các trung vệ không làm được như thế, nên những Tiến Linh, Hoàng Đức, Quang Hải... luôn phải xoay trở trong một không gian ngột ngạt. Họ buộc phải lùi xuống để nhận bóng, vô tình lại làm thế trận thêm rối bời. Chính ông Park, cũng trong cuộc họp chiến thuật được phát trên truyền hình, đã nhắc các tiền vệ rằng họ cần phải giữ vị trí của bản thân. "Lâu lâu lùi về một lần thì được, nhưng thường xuyên thì không", ông nói.
Sự có mặt của Đình Trọng, một lần nữa, giúp Việt Nam giải quyết được phần nào vấn đề này. Cầu thủ của Hà Nội mới trở lại sau chấn thương nhưng vẫn rất tự tin cầm bóng, và chính nỗ lực của anh đã giúp mở ra nhiều khoảng trống cho các đồng đội. Trong tình huống dưới đây, diễn ra ngay đầu hiệp hai, Trọng đã xộc thẳng vào hàng tiền vệ của Jordan, buộc họ phải ập vào gây sức ép, trước khi chuyền bóng cho Tiến Linh ở phía trên. Bằng hành động đó, Trọng đã thu hút và loại bỏ ít nhất năm cầu thủ phòng ngự của Jordan, và tạo điều kiện để Tiến Linh nhận bóng ở tư thế trống trải.
Một "tác dụng phụ" nữa từ sự có mặt của Trọng là Thành Chung được đẩy sang chơi như một trung vệ lệch trái. Ở vị trí này, Chung gặp nhiều khó khăn trong việc đưa bóng dài lên phía trên do không thuận chân. Nhưng anh lại có tư thế thân người phù hợp để tung ra những đường chuyền xuyên tuyến. Phần lớn những đường chuyền trúng đích tới một phần ba sân phòng ngự của Jordan của Thành Chung đều được thực hiện khi anh chơi ở vị trí trung vệ lệch trái. Đó cũng thể cũng là một gợi ý cho ban huấn luyện Việt Nam trước khi bố trí hàng thủ cho trận gặp Triều Tiên.
Có nhiều lý do giải thích cho việc Việt Nam đã chơi tốt hơn trong hiệp hai trận đấu Jordan. Nhưng một trong những lý do quan trọng nhất, như đã phân tích ở trên, là sự có mặt của Đình Trọng. Đối đầu Triều Tiên, với nhiệm vụ phải thắng cách biệt, Việt Nam cần phải có được những bài bản tấn công hiệu quả hơn so với các trận đấu trước. Và để làm được như vậy, các trung vệ cần phải thể hiện được bản thân một cách nổi bật hơn nữa. Việc các đối thủ dè chừng Việt Nam và thường chơi với đội hình khá sâu là khó khăn cho các tiền vệ và tiền đạo, nhưng là cơ hội của các trung vệ. Vấn đề là họ phải dũng cảm bước ra khỏi tổ kén của mình, dâng cao hơn, và chơi bóng với một vị thế khác.
Minh Khiêm