Thông tin được ông Cao Hoàng Nam, đại diện Sáng kiến Z&Alpha, nêu khi trình bày nghiên cứu về mối liên hệ giữa mạng xã hội và sức khỏe tâm thần ngày 4/10, tại Hà Nội, nhân ngày Sức khỏe tâm thần thế giới.
Thời gian sử dụng mạng xã hội của Việt Nam hiện xếp thứ 20 trên toàn thế giới với 73% dân số sử dụng mạng xã hội trung bình 2 giờ 25 phút/ngày/người. Nước đứng đầu là Kenya với 3 giờ 43 phút. Facebook là nền tảng mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất ở Việt Nam, sau đó là Zalo và TikTok.
Ông Nam cho biết mạng xã hội đã sử dụng các thuật toán khác nhau dựa trên các nghiên cứu chuyên sâu về cơ chế hoạt động của não bộ nhằm tối đa hóa thời gian sử dụng, liên tục lôi cuốn người dùng mạng xã hội, tạo ra các chu kỳ tương tác gây nghiện. Các tính năng này được thiết kế hướng tới người sử dụng là thanh thiếu niên và không được công bố công khai cho người sử dụng được biết.
"Những thiết kế của mạng xã hội đã tác động đến tâm thần người dùng", ông Nam nói, phân tích các công ty thiết kế chức năng like - thích, comment - bình luận, tác động vào cơ chế sản sinh dopamine nội sinh - một loại hormone tạo cảm giác thoải mái, đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe não bộ của con người.
Việc thiết kế tính năng "thích", "bình luận" và so sánh xã hội khiến người dùng liên tục kiểm tra lượt thích, tăng cường độ đăng bài tiếp theo. Khi bài viết có sự từ chối, ít tương tác, ít người bấm "thích" có thể dẫn tới các triệu chứng trầm cảm, gia tăng theo thời gian.
TheoMedical Daily, trầm cảm là một rối loạn tâm trạng, đặc trưng bởi sự kéo dài cảm giác buồn bã, mất hứng thú với hoạt động yêu thích trước đây cùng khả năng hoàn thành công việc thường nhật trong ít nhất hai tuần. Trầm cảm là nguyên nhân chính dẫn đến tự sát. Mỗi năm, khoảng 850.000 người chết vì căn bệnh này, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Hiện, trầm cảm, rối loạn lo âu hiện len lỏi trong xã hội Việt Nam với ước tính khoảng gần 6 triệu người mắc bệnh, theo thống kê năm 2022.
Ngoài ra, việc chỉnh sửa hình ảnh cá nhân trước khi đăng ảnh lên mạng xã hội còn liên quan đến sự bất mãn về cơ thể, so sánh bản thân với xã hội, dẫn đến hệ quả trực tiếp là lo âu, bất an, gia tăng rối loạn ăn uống. Một nghiên cứu trên 286 phụ nữ trẻ Việt Nam từ 18 - 35 tuổi cho thấy những người thường xuyên sửa hình ảnh bản thân trên mạng xã hội có chú ý đến diện mạo cá nhân. Để thay đổi những khiếm khuyết, họ có thể thay đổi bằng cách tập luyện thể chất, ăn kiêng, hoặc phẫu thuật thẩm mỹ.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy việc sử dụng mạng xã hội quá mức tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần. Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học Cambridge thực hiện phân tích dữ liệu từ 84.000 người Anh độ tuổi 10-80, công bố năm 2022 cho thấy nữ giới 11-13 tuổi và nam giới 14-15 tuổi là hai nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi mạng xã hội. Nữ giới sử dụng mạng xã hội kể từ 11 đến 13 tuổi ít hài lòng hơn với cuộc sống trong một năm sau đó. Tình trạng này lặp lại ở cả hai giới trong độ tuổi 19.
Còn TS Nguyễn Thị Mai Hương, Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế Công cộng, nhìn nhận khi lạm dụng mạng xã hội, thanh thiếu niên có thể gặp các tác động tiêu cực, như rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, cô lập xã hội và nghiện internet, bắt nạt qua mạng. Bên cạnh đó, tỷ lệ tội phạm trên mạng gia tăng, áp lực từ bạn bè và tiếp xúc với nội dung độc hại là một số rủi ro liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội, dẫn đến việc tự làm hại bản thân, suy nghĩ tự tử và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác.
Các chuyên gia cho rằng cần xây dựng các chương trình nâng cao nhận thức, hướng dẫn cho nhà trường, phụ huynh, người dùng các giải pháp để bảo vệ và nâng cao sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu niên Việt Nam trong kỷ nguyên số.
"Trang bị kỹ năng tự bảo vệ bản thân và duy trì sự kiểm soát khi dùng mạng xã hội chính là chìa khóa giúp chúng ta tận dụng triệt để những lợi ích mà không để ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên Việt Nam", PGS.TS Lê Minh Giang, Viện trưởng Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế Công cộng, nói.
Lê Nga