Thứ bảy, 23/11/2024
Thứ sáu, 5/4/2024, 05:30 (GMT+7)

Dân vùng khô hạn trắng đêm chờ nước từ thiện

Tiền GiangHàng nghìn người dân huyện Gò Công Đông sống trong vùng hạn mặn xếp hàng suốt đêm chở từng can nước ngọt miễn phí về sinh hoạt mỗi ngày.

Những ngày đầu tháng 4, nhiều xe chở nước sạch miễn phí từ TP HCM, Long An... đổ về cung cấp nước cho người dân xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Lúc 19h ngày 3/4, hàng trăm người chuẩn bị can nhựa, thay nhau hứng nước sạch.

Anh Lê Sơn, Giám đốc một công ty du lịch TP HCM, cho biết đã thuê xe chở 40 m3 nước xuống cho người dân. "Đầu mùa khô mà bà con khổ quá, tôi trích một phần tiền để thuê xe chở nước giúp bà con", anh Sơn nói và cho biết đây là chuyến xe thứ ba trong vòng một tuần qua, cấp nước miễn phí cho người dân địa phương.

Nhiều người cho biết ban ngày đi làm nên tối mới có thời gian hứng nước sinh hoạt.

Miền Tây đang vào cao điểm hạn mặn, khoảng 30.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Các huyện ven biển của Tiền Giang như Gò Công Đông, Tân Phú Đông nguồn nước đang bị nhiễm mặn. Tỉnh đã mở hơn 60 vòi nước công cộng nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu người dân.

Nhiều người dùng xe đẩy để chở được nhiều nước. Ông Lê Văn Hứa (góc phải) cho biết phải chở hai xe đẩy nước mới đủ dùng cho gia đình mỗi ngày.

Ông Hứa là một trong hàng nghìn hộ dân xã Tân Phước rơi vào cảnh thiếu nước sạch. Địa phương này không có nước máy, người dân phải uống nước mưa, sinh hoạt bằng nước kênh. Tuy nhiên, suốt nhiều tháng nay không có mưa, lu bồn chứa nước đã cạn, kênh trơ đáy khiến cuộc sống của họ lao đao.

Trời tối, ông Huỳnh Văn Nghĩa dùng thêm đèn treo trên đầu để tiện lấy và chở nước.

Tỉnh Tiền Giang đã có kế hoạch mở thêm khoảng 50 vòi nước cho người dân các huyện ven biển Gò Công Tây, thị xã Gò Công. Trong lúc chờ có nước máy, người dân ở xã Tân Phước, Gò Công Đông vẫn dùng nước hứng từ các bồn chứa lưu động.

"May có được mấy can nước về dùng, không có cũng không biết phải làm thế nào", anh Phạm Văn Bé (góc trái) ở chợ Rạch Già, xã Tân Phước nói khi nhận được những can nước miễn phí.

10 năm qua, miền Tây đã trải qua hai đợt hạn mặn lớn. Đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 khiến 160.000 ha đất bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng. 10 trong số 13 tỉnh, thành ở khu vực phải công bố thiên tai. Bốn năm sau, hạn mặn kéo dài hơn 6 tháng khiến 6 tỉnh phải công bố tình huống khẩn cấp. Hơn 43.000 ha lúa, bị thiệt hại, 80.000 hộ thiếu nước. Chính phủ đã chi 530 tỷ đồng cho 8 tỉnh ở đây ứng phó.

Gần 23h, ông Đoàn Dũng Tiến ở ấp 3, Tân Phước, cùng người thân kéo nước về nhà. "Nhà tôi có ba hộ phải lấy 20-30 can mới đủ dùng", người đàn ông 39 tuổi nói.

Đêm muộn 3/4, nhiều xe chở nước vẫn tấp nập trên đường ở xã Tân Phước.

Giữa trưa, hàng trăm người dân xã Tân Phước vẫn xếp hàng chờ hứng từng thùng nước.

Nghe tin Tiền Giang thiếu nước sạch, anh Tuấn Trần (góc phải) vượt quãng đường 50 km chở nước từ Long An đến cho người dân. Anh Tuấn cho biết nhà có xe tải nên rủ bạn bè góp tiền dầu chở nước cho người dân vùng hạn mặn. "Mỗi chuyến xe chúng tôi chở được 7-8 khối nước. Đỡ được giọt nào hay giọt đó cho bà con", anh Tuấn nói.

Nhiều người lớn tuổi dùng xe máy, xe đẩy chở nước về nhà.

Bà Nguyễn Thị Nói (69 tuổi) ở ấp 3, xã Tân Phước cho biết hơn 10 ngày nay, gia đình thiếu nước sinh hoạt, phải chở từng can nước từ các trạm tiếp nước về nhà. "Nhà tôi cần 7-8 can nước một ngày mới đủ dùng", bà nói.

Không đủ sức chở can lớn, bà Võ Thị Hai (74 tuổi), ở ấp 3, xã Tân Phước dùng xô nhỏ xách nhiều lần từ trạm nước cách nhà vài trăm mét. "Ở đây già, trẻ, bé lớn ai cũng phải đi lấy nước thôi", bà Hai nói.

Người dân tận dụng các vật dụng trong nhà để chứa nước sinh hoạt như thùng nhựa, vại... "Xài tiết kiệm lắm cũng vài hôm là hết", ông Phạm Văn Đôi (74 tuổi) nói.

Không chỉ Tiền Giang, hạn mặn đang tác động cuộc sống của người dân Cà Mau, Bến Tre, Sóc Trăng... Tại Bến Tre, đơn vị cấp nước thuê sà lan chở nước ngọt từ thượng nguồn sông Tiền để cấp cho người dân.

Trắng đêm chờ nước từ thiện
 
 

Xe chở nước từ thiện cung cấp cho người dân. Video: Thanh Tùng

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nhận định xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long năm nay ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không gay gắt như 2015-2016 và 2019-2020. Các đợt xâm nhập mặn sẽ đạt đỉnh trong tháng 4-5 (8-13/4, 22-28/4, 7-11/5).

Thanh Tùng