Chủ nhật, 8/12/2024
Chủ nhật, 8/5/2022, 15:40 (GMT+7)

Dân vùng biển rước lễ vật cúng cá voi

Hà TĩnhNgười dân huyện Cẩm Xuyên tổ chức lễ hội cầu ngư, hò chèo cạn Nhượng Bạn để báo đáp công ơn của cá voi, phù hộ mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Sáng 8/5, tại miếu Đức Ngư Ông, người dân thôn Xuân Bắc, xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) tổ chức lễ hội cầu ngư, hò chèo cạn Nhượng Bạn.

Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã về đây trao bằng công nhận lễ hội là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cho địa phương.

Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn có từ thời nhà Nguyễn, được người dân địa phương tổ chức ngày 8/4 âm lịch hàng năm, mục đích báo đáp công ơn của Nam Hải Nhân Ngư Tôn Thần (một con cái voi lớn), cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đánh bắt được nhiều hải sản...

Tương truyền, một lần nhà vua cùng tùy tùng đi thuyền rồng trên biển, bất ngờ bão tố nổi lên khiến mọi người chới với, cá voi lập tức xuất hiện đẩy thuyền vào bờ an toàn. Nhà vua thoát nạn đã đặt tên cá là Nam Hải Nhân Ngư Tôn Thần, cho lập miếu thờ cúng, ban tặng sắc phong.

Bên trái miếu Đức Ngư Ông là nghĩa trang với hàng trăm ngôi mộ cá, công trình đã được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh Hà Tĩnh năm 2007. Từ đầu giờ sáng, khi về dự lễ, người dân địa phương đã mua hương, hoa, lễ vật ra thắp hương.

Theo quy định, khi tiếp nhận một con cá bị chết, ban lễ nghi miếu Đức Ngư Ông sẽ thắp hương cầu khấn, làm lễ xin thổ địa cho cá được an táng tại khu vực miếu. Mọi người sau đó dùng nước sạch rửa cá, xịt nước hoa, đổ rượu khâm liệm. Nếu trên đầu cá có chữ thập, nghĩa là cá voi già, được đặt tên Đức Cá Ông hoặc Đức Cá Bà. Những con không có chữ thập trên đầu sẽ phải tung đồng xu. Nếu ba lần, hai xu đều thể hiện một mặt dương thì đặt lên là Đức Cậu, được hiểu là con cá đực. Ngược lại, hai mặt xu cùng lật mặt âm thì tên Đức Cô - cá cái.

Tối 7/5, lễ yết cáo được tổ chức ở miếu với phạm vi hẹp gồm thành viên của chính quyền địa phương, ban tổ chức, ban lễ nghi. Trong buổi lễ này chỉ có hương đăng, hoa quả, trầu cau, rượu trắng, nước suối khoáng.

Sáng hôm sau, ban lễ nghi rước Nam Hải thần ngư, các đại biểu khách mời, chính quyền địa phương và người dân lần lượt vào thắp hương...

Phần hội là tiết mục hò chèo cạn Nhượng Bạn, diễn trong khuôn viên miếu. Hàng trăm người dân tập trung đến xem.

Hò chèo cạn Nhượng Bạn với những điệu hò biển như: hò mái nhị, hò là, hò hụi... diễn tả và mô phỏng trên cạn những hoạt động chèo thuyền của người đi biển. Nội dung các câu hò thường là cầu trời đất, thần linh phù hộ cho trời yên biển lặng, cho dân đánh bắt hải sản được mùa.

Tại lễ năm nay, ông Hoàng Ngọc Lý, 66 tuổi, Trưởng ban đội chèo cạn xã Cẩm Nhượng, là người hò chính.

Trong múa chèo cạn, đoàn người được ghép thành thuyền, các mái chèo được sơn phết xanh đỏ. Một người lĩnh xướng đứng ngoài thuyền dùng cờ hiệu phất và cầm nhịp cho các thành viên vừa hò, vừa làm động tác chèo cạn.

Trước kia, các thành viên trong đội hò thường là phụ nữ, song ngày nay tại lễ cầu ngư, nhiều nam thanh niên đã tham gia hò xướng chính.

Năm nay, người đóng vai chủ thuyền là ông Dương Đình Lưu. Đội chèo cạn gồm khoảng 10 thành viên, mặc lễ phục màu vàng đỏ, đứng hai hàng xếp theo chiếc thuyền. Trong đội hình này có một người mang áo nâu, đóng vai là chủ thuyền, tay cầm mõ. Mỗi một động tác gõ mõ tương ứng với một lần dùng chiếc gàu múc nước ra khỏi thuyền.

Sau hò chèo cạn là lễ rước hương án của cá voi đi dọc khắp đường làng rồi vòng xuống biển. Hương án gồm một chiếc thuyền gỗ nhỏ có số hiệu, các lễ vật hoa quả, vàng mã...

Một đội thuyền gồm hàng chục chiếc trang trí nhiều màu sắc, đậu gần bờ chờ rước hương án đưa ra ngoài khơi làm lễ, sau đó thả xuống nước.

Hàng trăm người dân đã đi từ trên miếu Đức Ngư Ông xuống dưới bờ biển xem lễ tiếp nhận hương án và quan sát đội thuyền diễu hành.

"Lễ hội rất nhân văn, là nét đẹp của dân vùng biển. Tình cờ đưa con tới đây du lịch, chúng rất vui vì biết được thêm một bài học về tín ngưỡng", chị Trần Thanh, 35 tuổi, khách du lịch đến từ Hà Nội, nói.

Sau khi thả lễ vật của cá voi xuống biển, đội thuyền đi theo hàng, diễu hành vài vòng trên biển rồi quay vào bờ.

Lúc 11h, đại diện ban lễ nghi đứng sẵn bên bờ biển để đón kiệu đưa về đặt tại miếu Đức Ngư Ông, tiếp tục cúng và kết thúc lễ.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch xã Cẩm Nhượng, nói bên cạnh ý nghĩa tâm linh, lễ hội còn là nguồn tư liệu lịch sử phong phú, là cơ sở giúp các nhà khoa học nghiên cứu đời sống tinh thần của cư dân ven biển Hà Tĩnh như: lịch sử sử hình thành vùng đất, quá trình tụ cư...

Video lễ hội cầu ngư ở Hà Tĩnh
 
 

Đức Hùng