Cách trung tâm Hà Nội 60 km về phía nam, khu rừng Kim Bảng đan xen tầng lớp những tán lá xum xuê, xanh mướt. Đây là khu rừng nguyên sinh trên núi đá vôi duy nhất của tỉnh Hà Nam, với diện tích khoảng 4.500 ha, nơi sinh sống của loài voọc mông trắng.
Đường vào cửa rừng ở xã Thanh Sơn, ôtô trọng tải lớn chở đá rầm rầm ra vào, bụi cuốn mù mịt. Lối mòn dãy núi ngang qua công trường khai thác đá, cánh cổng đặt tấm biển với dòng chữ khổ lớn "khu vực nổ mìn, hạn chế đi lại". Những vạt núi xanh bị mìn bóc nham nhở. Bao quanh khu rừng này có 11 công trường đang khai thác đá làm xi măng, vật liệu xây dựng.
Những ngày cuối năm 2020, trời lạnh buốt, gió mạnh thổi ù ù qua hẻm núi thung Cơm Tám, cách cửa rừng khoảng một km. Đứng từ đây quan sát thấy thấp thoáng vệt trắng phau trên hàng cây và đàn voọc mông trắng 12 con dần xuất hiện trong tầm mắt. Chúng từ hang đá ra ngoài kiếm ăn. Con đực đầu đàn to nhất nhảy trước, rồi đứng trên ngọn cây cao nhất cảnh giới cho cả đàn ăn búp cây.
Những con trưởng thành nặng chừng 8-9 kg, có mào lông đen nhánh trên đỉnh đầu, hai bên má vệt trắng, vùng mông có lông trắng kéo dài trông như mặc quần đùi, đuôi đen dài hơn thân. Đàn này có một con non chừng hai tháng tuổi lông vàng óng, bám chặt cổ voọc mẹ. Khi voọc mẹ vươn ra cánh nhỏ ngắt lá ăn, voọc non được các con khác thay phiên nhau nhau bế.
Ăn khoảng hơn một giờ, đàn di chuyển qua một cây đa cao hơn sưởi nắng, bắt rận cho nhau. Những con nhỏ chuyền cành đùa giỡn. Từ quả núi sát bên bỗng vang lên tiếng còi rú liên hồi, lúc này là 11h30, giờ nổ mìn phá đá.
Hàng loạt tiếng nổ ầm ầm, cả dãy núi rung chuyển, tiếng đá tách rơi rào rào. Đàn voọc giật mình ngó quanh kêu "bịp, bịp". Trong vài phút, chúng biến mất vào lùm cây.
Lúc này, anh Dương Văn Sơn, 33 tuổi, thành viên tổ bảo vệ rừng cộng đồng Kim Bảng (Tổ chức FFI), đang quan sát đàn voọc, lia ống nhòm liên tục theo những vệt trắng vụt qua.
"Chúng xuất hiện ngày một thưa dần, khu này đang được thăm dò khai thác đá làm xi măng. Không biết rồi đàn voọc sẽ đi về đâu", anh Sơn thở dài, chỉ về ngọn núi trước mặt, nơi có hang ngủ của đàn voọc.
Lớn lên bên cánh rừng này, anh Sơn kể cách đây 15 năm, khi công trường khai thác đá chưa nhiều, voọc ra kiếm ăn sát bìa rừng. Đàn voọc có lúc lên tới hàng trăm con nhưng do môi trường sống thu hẹp, thức ăn khan hiếm và săn bắn trái phép khiến chúng suy giảm số lượng.
Bốn năm trước, Tổ bảo vệ rừng cộng đồng Kim Bảng gồm 6 thành viên được thành lập với sự tài trợ của Tổ chức bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế (FFI). Công việc chính của Tổ bảo vệ là tuần tra, theo dõi hành vi phá hoại rừng và ghi nhận quần thể voọc mông trắng. "Địa hình rừng rộng, hiểm trở, lực lượng mỏng nên việc kiểm soát săn bắn gặp rất nhiều khó khăn", anh Sơn nói.
Theo Tổ chức FFI, hiện quần thể voọc mông trắng ở Kim Bảng có 14 đàn, với 105 con, lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau quần thể ở khu bảo tồn Vân Long (Ninh Bình).
"Khai thác đá phục vụ sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới diện tích rừng Kim Bảng, khu vực tập trung nhiều đàn voọc sinh sống", đại diện Tổ chức FFI nói và đánh giá khoảng 4 đàn voọc đang bị ảnh hưởng trực tiếp, nguy cơ biến mất.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam, giáp ranh khu quy hoạch bảo tồn hiện có 24 công ty khai thác đá tập trung ở hai xã Liên Sơn và Thanh Sơn. Trong đó 20 đơn vị đang hoạt động khai thác, xay nghiền đá tại chỗ; 4 công ty đang xây dựng, thăm dò khai thác, với tổng diện tích hàng trăm ha.
Ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam, cho hay từ năm 2017, Sở đã có tờ trình xin chủ trương thành lập Khu bảo tồn loài-sinh cảnh Kim Bảng, trong đó ưu tiên bảo vệ voọc mông trắng.
"Chúng tôi đang khảo sát, đánh giá lại khu vực bảo tồn. Tuy nhiên đang vướng mắc một số vấn đề chưa triển khai được", ông Ngọc nói.
Voọc mông trắng (Trachypithecus delacouri) hay còn gọi voọc quần đùi trắng là loài linh trưởng chỉ có ở Việt Nam, với số lượng chỉ còn khoảng 250 cá thể. Hiện nay, loài này được xếp ở mức cực kỳ nguy cấp (CR) trong danh lục đỏ của IUCN (2019); thuộc Nhóm IB, Nghị định 06/2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Tất Định