Tháng 12/2020, đàn voi 15 con, bao gồm voi cái và những con non, rời khỏi nơi ở tại rừng nhiệt đới ở thành phố Phổ Nhĩ thuộc tỉnh Vân Nam phía tây nam Trung Quốc và bắt đầu di chuyển về phương bắc. Sau 400 km, chúng vẫn đi tiếp và cách thủ phủ Côn Minh của tỉnh Vân Nam chưa tới 100 km, khoảng cách mà voi trưởng thành có thể đi hết trong một ngày.
Trên đường đi, đàn voi lang thang qua những ngôi làng và thị trấn, xuôi theo đường cao tốc và đường lớn, phớt lờ tiếng còi xe cảnh sát. Cư dân theo dõi cảnh tượng từ khoảng cách an toàn và phương tiện truyền thông vẫn dõi theo lộ trình của đàn voi, quãng đường chúng đã đi và vị trí mới nhất.
Các chuyên gia động vật hoang dã không biết chắc tại sao đàn voi quyết định di chuyển. Mỗi đàn voi đều khác nhau, một số đàn mạo hiểm hơn đàn khác. Có thể đàn voi này trỗi dậy bản năng lang thang qua những vùng lãnh thổ lớn, nơi tổ tiên của chúng từng sinh sống và chúng cảm thấy an toàn dù xung quanh là con người.
Nhưng nhà nghiên cứu Becky Shu Chen cho biết đàn voi có thể trở nên sợ hãi, bị ảnh hưởng bởi áp lực. Chen là cư dân bản xứ ở Côn Minh và làm việc cho Hiệp hội Động vật học London. Bà nghiên cứu tương tác giữa người và voi ở Vân Nam từ năm 2012. Theo bà, lần di cư gần nhất của voi Trung Quốc xảy ra từ cách đây khoảng 400 năm, khi những con voi đi từ cánh rừng ở Vân Nam tới nguồn nước trên sông Dương Tử, vượt hàng nghìn kilomet về phương bắc.
Số lượng voi châu Á hoang dã ở Trung Quốc chỉ bằng 1% tổng số trên thế giới, tương đương khoảng 300 con, và môi trường sống của chúng bị giới hạn ở vùng cực nam Vân Nam, bao gồm Tây Song Bản Nạp, Lâm Thương và Phổ Nhĩ. Khu vực này trải qua đô thị hóa nhanh chóng và môi trường sống ban đầu của loài voi thu hẹp, bị phân mảnh giữa những khoảng rừng đan xen với đường sá, làng mạc, thị trấn và cánh đồng. Hiện nay, vùng rừng và quần thể voi còn sót lại đang được bảo vệ nghiêm ngặt.
Theo Chen, voi ở Trung Quốc thích nghi với quang cảnh mới và số lượng voi đang gia tăng. Chúng cũng ít sợ người hơn và thích đất nông nghiệp hơn rừng rậm. "Giờ đây những con voi không cảm thấy bị đe dọa nhiều bởi con người. Chúng thích món ăn ngon miệng nhưng tiêu thụ tới 200 kg thức ăn một ngày. Trong rừng, chúng cần đi quãng đường dài để tìm cây dại, và không có nhiều dưỡng chất so với hoa màu như ngô. Trên cánh đồng, đàn voi không tốn nhiều thời gian và năng lượng để tìm thức ăn", Chen giải thích.
Nhà nghiên cứu nhận định một phần lý do đàn voi tiến về Côn Minh là vì chúng không bận tâm tới đường phố, xa lộ và những chỗ công cộng khác. Voi châu Á không hẳn là loài sinh sống trong rừng và thích không gian mở. Do không sợ người, đàn voi có thể mở rộng phạm vi sinh sống để tìm thức ăn và lãnh thổ.
Hành trình của đàn voi ở Vân Nam có thể bắt đầu như một công cuộc tìm kiếm thức ăn. Bất kể nguyên nhân là gì, chúng vẫn gây bất ngờ khi bắt đầu hành trình ở Phổ Nhĩ. Các cán bộ lâm nghiệp chia sẻ đàn voi vượt qua sông Mo, điều chúng chưa bao giờ làm trước đây.
Đàn voi không quay trở lại nơi ở cũ mà tiếp tục đi về hướng bắc, tới huyện Nguyên Giang hồi tháng 4/2021. Sau vài ngày, chúng tới huyện Thạch Bình và hôm 25/5, đàn voi đang ở huyện Nga Sơn phía nam Côn Minh. Đây không phải lần đầu tiên voi hoang dã ở Vân Nam di chuyển. Chúng thường mò vào thành phố và thị trấn. Cách đây hai năm, một con voi từng vượt qua biên giới sang Lào và quay lại Trung Quốc vài giờ sau.
An Khang (Theo SCMP)