Trong 25 năm qua, chính sách dân số của Việt Nam tập trung vào giảm mức sinh, giảm tốc độ gia tăng quy mô dân số. Năm 1993 bình quân mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có đến 3,73 con; tốc độ gia tăng quy mô dân số xấp xỉ 2% mỗi năm, rất nhanh. Năm 2006, Việt Nam đã đạt được mức sinh thay thế mỗi cặp vợ chồng có 2,1 con và duy trì đến nay. Tuy nhiên trong lĩnh vực dân số hiện nay phát sinh những vấn đề mới cần phải xử lý.
2,3-4,3 triệu đàn ông Việt Nam sẽ không thể lấy được vợ
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó tổng Cục trưởng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, cho biết, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh xuất hiện từ những năm đầu của thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Tại Việt Nam từ năm 2005 đến 2006 tình trạng này mới rõ ràng và hiện tốc độ tăng rất nhanh. Năm 2005-2006, tỷ lệ này là 109 trẻ trai trên 100 trẻ gái; đến năm 2013 đã là 113,8 bé trai; các năm tiếp theo dao động xung quanh 112-113 bé trai trên 100 bé gái.
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta đã ở mức trầm trọng, lan rộng, trước chủ yếu ở thành thị giờ ở tất cả mọi nơi. Năm trong sáu vùng kinh tế địa lý (trừ Tây Nguyên) đã mất cân bằng giới tính khi sinh. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra thì đến năm 2050 nước ta sẽ thiếu khoảng 2,3-4,3 triệu phụ nữ, hay nói cách khác 2,3-4,3 triệu đàn ông trong độ tuổi trưởng thành không có khả năng lấy vợ. Hiện nay nước ta thiếu khoảng vài trăm nghìn phụ nữ.
Những hệ lụy của nó là vô cùng to lớn. Điều này có thể thấy qua làn sóng phụ nữ Việt Nam ra nước ngoài lấy chồng. Số liệu thống kê sơ bộ cho thấy khoảng 80.000 phụ nữ Việt sang Đài Loan lấy chồng; 60.000 người lấy chồng Hàn Quốc. Theo ông Tân, đất nước Hàn Quốc có 50 triệu dân, có khoảng 20 năm trong tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, hiện đã giải quyết xong.
“Dân số nước ta khoảng 100 triệu, thiếu khoảng 2,3 đến 4,3 triệu cô dâu thì thử hình dung lúc đó sẽ nhập khẩu cô dâu từ đâu”, ông Tân trăn trở.
Mức sinh xuống thấp rất khó khuyến khích người dân đẻ thêm con
Mặc dù có những địa phương mức sinh còn cao nhưng đã xuất hiện xu thế giảm sinh ở một số khu vực. Ví dụ, khu vực Đông Nam Bộ hiện nay mức sinh 1,67 con bình quân trên một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; vùng đồng bằng sông Cửu Long khoảng 1,8 con; khu vực thành thị 1,8 con. Các khu vực này là nơi sinh sống của khoảng 54% dân số cả nước.
Theo ông Tân, hiện tỷ lệ dân đô thị khoảng 34%, nên xuất hiện xu thế giảm sinh là dấu hiệu cho thấy cần có sự can thiệp trong tương lai. Do tác động của phát triển kinh tế xã hội, đô thị hóa, sự thay đổi lối sống đô thị, xu thế sinh ít con sẽ ngày càng tăng. Bình quân tốc độ phát triển kinh tế xã hội của nước ta hiện xấp xỉ 6,5-7% mỗi năm; tốc độ đô thị hóa là hơn 1% mỗi năm.
Thực tế này đặt ra nguy cơ khi mức sinh đã xuống thấp thì rất khó tăng trở lại, như kinh nghiệm của nhiều nước. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là sự phát triển kinh tế xã hội.
Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc là những ví dụ. Năm 2013, Trung Quốc đã thay đổi chính sách một con, cho phép các gia đình sinh hai con nhưng số đăng ký sinh hai con trong diện được phép không đạt như mong muốn. Đặc biệt là khu vực đô thị, người dân đã quen với việc sinh một con.
Việt Nam thuộc nhóm năm nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới
Theo quy ước nhân khẩu học, khi tỷ lệ người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên chiếm 10% dân số thì nước đó bước vào giai đoạn già hóa dân số. Tỷ lệ này 20% thì bước vào giai đoạn dân số già; ở mức 30% là dân số siêu già, 40% trở lên được xếp vào tiêu chí siêu siêu già.
Thước đo thứ hai là tính theo dân số từ 65 tuổi trở lên. Tỷ lệ người già 7% dân số là già hóa dân số, 14% là dân số già; 21% là dân số siêu già, vượt khỏi 30% là dân số siêu siêu già. Trong khu vực châu Á hiện Nhật Bản là nước có dân số siêu siêu già.
Việt Nam đã bước vào thời kỳ già hóa dân số từ năm 2011 và được xếp vào nhóm năm nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Từ giai đoạn già hóa dân số đến giai đoạn dân số già các nước mất vài chục năm, thậm chí hàng trăm năm, thì Việt Nam ước tính chỉ mất khoảng 17-25 năm.
Già hóa dân số là một hiện tượng cả thế giới đang phải nghiên cứu ứng phó. Nó tác động đến mọi mặt của đời sống. Với các nước phát triển, giai đoạn suy thoái kinh tế đều gắn với quá trình già hóa dân số thể hiện ở khía cạnh thiếu hụt lực lượng lao động. Tuổi già không còn lao động được nữa mà phải tiêu dùng, chi phí chi cho tuổi già còn lớn hơn giai đoạn đầu đời của một đứa trẻ, bệnh tật nhiều phải chăm sóc.
Bên cạnh đó, vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo nhu cầu chăm sóc người cao tuổi đang là vấn đề rất nan giải ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Lớp người cao tuổi của nước ta hiện nay là lớp người trải qua giai đoạn chiến tranh khá dài, đời sống kinh tế khó khăn, tài sản tích lũy không có, chủ yếu trông chờ vào xã hội, con cái…
Các nước phát triển đã xử lý vấn đề này bằng cách chuẩn bị từ trước, người khi còn trẻ thì phải đóng thuế cao để lúc về già dùng kinh phí ấy chăm sóc. Ví dụ như Nhật, từ năm 40 tuổi người lao động phải đóng thêm một khoản cho Quỹ chăm sóc người cao tuổi ngoài các loại thuế thông thường.
“Hiện các nước xử lý tác động do già hóa dân số với tỷ lệ người cao tuổi khoảng 10% số dân. Khi tỷ lệ già tăng lên 15 đến 21%, xấp xỉ 30% như của Nhật thì khả năng giải quyết tình trạng này rất khó”, ông Tân phân tích.