Plaza 66 mở cửa lại vào ngày 1/6, sau khi chính quyền Thượng Hải thông báo chấm dứt lệnh phong tỏa kéo dài hai tháng. Sự hào hứng của người dân vì được "sổ lồng" cùng các chính sách khuyến mại hay tích điểm đã giúp cho các cửa hàng thời trang xa xỉ ghi nhận doanh thu hơn một triệu tệ (149.000 USD) vào ngày đầu tiên mở lại.
Điều này phản ánh xu hướng "mua sắm trả thù" ở Trung Quốc, khi người dân mua hàng để bù đắp cho giai đoạn chịu các hạn chế vì đợt bùng phát Covid-19. Các cửa hàng bán đồ xa xỉ tại những thành phố lớn ghi nhận lượng khách hàng tăng vọt, doanh số bán hàng tại quầy và trên mạng cũng cao kỷ lục, phản ánh nhu cầu tiêu dùng phục hồi nhanh chóng khi đại dịch được kiểm soát, theo Global Times. Trung Quốc ngày 9/6 ghi nhận thêm 151 ca Covid-19 mới.
Nhiều nhà phân tích và doanh nghiệp lạc quan về sự phục hồi của sức tiêu dùng hàng xa xỉ ở Trung Quốc, nơi được dự báo là thị trường hàng xa xỉ lớn nhất thế giới trước năm 2025.
Tại Bắc Kinh, hai nhân viên thương hiệu xa xỉ cho hay rất nhiều khách hàng đến ngay sau khi cửa tiệm tái mở cửa. Trong kho còn rất ít hàng và nhiều người phải đặt cọc để mua những món đồ số lượng hạn chế.
Một số người chọn cách mua sắm trực tuyến. Năm nay, hơn 200 thương hiệu xa xỉ tham gia lễ hội mua sắm 618 hàng năm (các hoạt động ưu đãi và giảm giá kéo dài từ 1/6 đến 18/6) trên nền tảng Tmall của Alibaba, như tập đoàn LVMH, Kering và Richermont. Hơn 20.000 sản phẩm mới ra mắt trong sự kiện này.
Một nhãn hiệu thời trang Italy lần đầu tham gia sự kiện 618 đã ghi nhận lượng giao dịch hơn một triệu tệ chỉ trong hai phút sau khi mở bán. Một thương hiệu Italy khác đạt mức tăng trưởng ba con số so với cùng kỳ năm ngoái.
Zhang Yi, giám đốc điều hành Viện nghiên cứu iiMedia, cho hay sức tiêu thụ các sản phẩm cao cấp ở Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới. Nhiều người mua hàng xa xỉ ở Trung Quốc thay cho việc không thể ra nước ngoài du lịch, mua sắm vì Covid-19.
Doanh số bán xa xỉ phẩm bị ảnh hưởng trong thời gian đại dịch bùng phát vì người tiêu dùng không thể mua hàng trực tiếp, nhưng đã phục hồi hoàn toàn ở các thành phố lớn như Thâm Quyến và Quảng Châu. Doanh số tại Thượng Hải và Bắc Kinh đang dần hồi phục, Zhang cho biết.
Doanh số xa xỉ phẩm ở Trung Quốc năm 2021 là 74 tỷ USD, tăng 36% so với năm 2020 và gần gấp đôi so với năm 2019. Năm 2021, sức mua xa xỉ phẩm của người dân Trung Quốc đại lục chiếm 21% sức mua toàn cầu.
Nhiều thương hiệu cao cấp đang tích cực cải thiện hoạt động tiếp thị và quảng cáo tại Trung Quốc. Cartier gần đây cải tạo cửa hàng ở Thành Đô với nét kiến trúc mang văn hóa Trung Quốc.
Trên Tmall, hơn 30 thương hiệu đã tung ra dịch vụ "tùy chỉnh quà tặng sang trọng", cho phép người tiêu dùng gắn chữ lên sản phẩm của họ và làm thẻ quà tặng với dấu ấn cá nhân.
Đại diện một thương hiệu trang sức Italy hôm 8/6 cho hay tác động của Covid-19 tới tình hình kinh doanh của hãng rất ngắn. "Chúng tôi chứng kiến sức tiêu thụ phục hồi nhanh chóng sau khi Thượng Hải dỡ phong tỏa. Cuối tuần trước, rất nhiều khách hàng đã ghé qua. Chúng tôi rất lạc quan về sức tiêu thụ của thị trường Trung Quốc", người này nói.
Hồng Hạnh (Theo Global Times/SCMP)