Nhiều người sẽ giật mình khi thấy một chiếc iPhone 5 được rao bán online tại Trung Quốc với giá chỉ 40 NDT (134.000 đồng). Tuy nhiên, đây không phải loại thiết bị công nghệ đắt tiền đang được giới trung lưu săn lùng. Chúng làm từ giấy và chỉ để đốt cho người đã khuất trong Tết Thanh Minh (hay còn gọi là lễ Tảo mộ).
Theo truyền thống, tiền giấy và các vật dụng khác sẽ được đốt trong dịp này. Người dân Trung Quốc quan niệm chỉ khi được hóa, những đồ dùng này mới có thể đến tay người đã khuất.
iPhone luôn là mặt hàng bán chạy những năm gần đây. Ảnh: People Daily |
Tết Thanh Minh tại Trung Quốc năm nay rơi vào ngày 4/4. Theo Hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc, mỗi năm có khoảng 1.000 tấn giấy được đốt trên cả nước vào dịp này, tiêu tốn hơn 10 tỷ NDT.
Các mặt hàng cũng ngày càng phong phú. Ngoài các sản phẩm của Apple, túi xách Louis Vuitton, mỹ phẩm, passport hay thậm chí là cả người mẫu, máy bay cũng rất được ưa chuộng. Một số đồ giấy được làm y như thật với giá cả dao động từ vài NDT đến vài trăm NDT. Mặt hàng đắt nhất từng rao bán trên Taobao có giá tới 16.888 NDT (56,7 triệu đồng).
Jiang Zhaohui, chủ một gian hàng online, cho biết các đồ điện tử “giấy” như iPhone mới xuất hiện cách đây vài năm, nhưng tăng trưởng rất nhanh. “Năm nào những loại này cũng bán chạy. Người mua chủ yếu là giới trẻ vốn quen thuộc với công nghệ”, Jiang nói.
Một bộ sản phẩm của Apple có đầy đủ cả sạc, tai nghe, sách hướng dẫn và được bán với giá 40 NDT. Trong hai tuần gần đây, gian hàng của Jiang đã tiêu thụ được tới 120 bộ.
Món đồ đắt nhất Jiang từng bán là một chiếc siêu xe Bugatti Veyron. Thợ thủ công đã mất hai tuần để hoàn thành sản phẩm này và bán với giá 1.000 NDT. Jiang cũng nhận làm một số đồ đặt hàng như bằng lái, máy in, TV và cả bộ dụng cụ thư pháp. Anh thường tự thiết kế sản phẩm, sau đó thuê người làm. Sản phẩm thủ công có chất lượng tốt hơn và đắt đỏ hơn.
Dù vậy, những ý tưởng này không dễ chấp nhận với tất cả mọi người. Nhiều ý kiến cho rằng việc đốt các thiết bị hiện đại này chẳng khác nào một trò cười. Giới chuyên gia thì nhận định việc theo đuổi những món đồ xa xỉ, thời trang là hệ quả của sự mệt mỏi từ áp lực cuộc sống.
Năm 1997, Trung Quốc còn ban hành điều luật cấm sản xuất và bán các đồ dùng nhái bằng giấy để phục vụ cho hoạt động tín ngưỡng. Họ cũng khuyến khích người dân dùng hoa và cấm đốt đồ tại các nghĩa trang công cộng. Dù vậy, thị trường ngầm cho các mặt hàng này vẫn phát triển mạnh, đặc biệt là ở vùng nông thôn.
Thùy Linh (theo People Daily)