"Năm ngoái công ty khó khăn, thu nhập của tôi giảm nhiều. Vốn dĩ năm nay, tôi định mừng tuổi lũ trẻ ít thôi, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, đành từ bỏ ý định đó", Lưu Vĩ, nhân viên một công ty ở tỉnh Sơn Đông, nói.
Năm nay, anh vẫn dành ra 6.000 tệ (hơn 1.000 USD) như năm ngoái, để mừng tuổi. Số tiền này tương đương với một tháng lương.
"Những người có suy nghĩ như anh Lưu không hiếm", giáo sư Hình Viên, khoa Xã hội học, đại học Sơn Tây cho biết. Đối với người Trung Quốc, mừng tuổi không đơn giản chỉ là con số, thể hiện sĩ diện của một người, mà ẩn sau nó, còn nhiều yếu tố tình cảm trong giao tiếp xã hội.
Theo China News, trong đại đa số trường hợp, người Trung Quốc đánh giá tình trạng kinh tế của người khác thông qua số tiền người này mừng tuổi con mình, đồng thời cân nhắc mức độ thân thiết của đối phương với bản thân. Nếu như đối tượng là người thân thích hoặc quan trọng, thông thường sẽ mừng tuổi cho con cái họ nhiều hơn những người khác.
Trên thực tế, người Trung Quốc thường mừng tuổi trẻ con theo nguyên tắc "có đi có lại, anh mừng tuổi con tôi bao nhiêu, tôi sẽ mừng lại bấy nhiêu". Tuy nhiên, đối với những người độc thân, hoặc đã kết hôn nhưng chưa có con, đương nhiên không thể "thu về" tiền mừng tuổi. Do đó, lì xì trở thành một gánh nặng kinh tế.
Tiền mừng tuổi cũng như vật giá ở Trung Quốc ngày một leo thang. Trong vòng 20 năm qua, con số này đã đội lên gấp nhiều lần. Cao Thành, một giáo viên trung học 36 tuổi, cảm nhận sâu sắc về điều này.
"Hồi nhỏ, người lớn chỉ mừng tuổi tôi vài đồng. Thế nhưng bây giờ, mỗi năm Tết đến về quê lì xì tụi nhỏ, mừng 200 tệ (khoảng 35 USD) vẫn thấy áy náy. Ở thành phố, trẻ con nhận được vài nghìn tệ tiền mừng tuổi là chuyện thường tình", Cao nói.
Áp lực kinh tế khiến nhiều người thà ăn Tết xa nhà, còn hơn phải chịu ê mặt vì mừng tuổi ít nếu về quê.
Hoàng Thạc, 23 tuổi, độc thân và đang làm thuê ở Thượng Hải tâm sự "rất sợ về quê". "Mỗi lần về quê, họ hàng đều khoe con cái đi làm ở chỗ nọ chỗ kia, lương tháng hàng chục nghìn tệ, đều mua xe mua nhà cả. Còn tôi, lương tháng có hai nghìn. Thượng Hải cái gì cũng đắt đỏ, tiết kiệm lắm mới đủ tiền tiêu".
"Năm nay tôi không về quê ăn Tết nữa. Chẳng có tiền mừng tuổi cho bố mẹ và các em, xấu hổ lắm", Hoàng nói.
Đối với Bành Tân Quốc, công nhân một nhà máy ở Quảng Châu, thì về quê đồng nghĩa với việc mất đứt một tháng lương, cũng như cơ hội tăng thu nhập.
Về quê một chuyến, ngoài tiền tàu xe, còn phải chi ít nhất là 3.000 tệ (500 USD) tiền mừng tuổi. Số tiền này bằng một tháng lương của tôi", ông Bành nói. "Nếu ở lại làm việc trong mấy ngày Tết, tiền lương tăng gấp ba lần. Mấy ngày thôi mà kiếm được thêm vài nghìn tệ, tiền này còn để dành cho con trai tôi chuẩn bị lấy vợ".
Hồng Hạnh